Hằng năm vào ngày thứ Tư lễ Tro trong Giáo hội Công giáo, năm nay vào ngày 14.02.2018, khởi sự một mùa phụng vụ khác: mùa chay thánh, mùa ăn năn thống hối, mùa phụng vụ áo tím.

Trong dòng lịch sử phụng vụ

Ngày thứ Tư lễ Tro, từ thế kỷ 11. thời Đức Giáo Hoàng Urban II., có tập tục lễ nghi xức tro cho người tín hữu Chúa Kitô trong thánh lễ.

Vị chủ tế lễ nghi xức tro vẽ hình thập gía trên trán, hay xức trên đỉnh đầu người lãnh nhận tro, đang khi đọc lời:

„Hỡi người hãy nhớ mình được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về bụi tro“

Hay lời: „Hãy trở về và tin vào phúc âm“

Từ thế kỷ 12. qui định tro được đốt ra từ cành lá ngày lễ Lá năm trước. Tro được làm phép sau phúc âm và sau đó được phân chia xức cho mọi người đến tham dự lãnh nhận trong thánh đường ngày hôm đó.

Tro bụi là hình ảnh nói lên sự chóng qua, sự không có giá trị, đồng thời cũng diễn tả sự ăn năn thống hối.

Tro bụi ngày xưa cũng được dùng chùi để rửa xoong nồi bằng nhôm, sắt, đồ sành sứ… Vì thế cũng là hình ảnh về sự thanh tẩy tâm hồn.

Mùa chay bắt đầu từ ngày thứ Tư lễ Tro kéo dài 40 ngày cho tới ngày mừng lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại.

Trong ý nghĩa 40 ngày chay tịnh

Con số 40 là con số Kinh Thánh. Con số 40 trong Kinh Thánh nói đến là thời gian thử thách, thanh luyện nên thuần thục trưởng thành, thời gian chín mùi cho quyết định và một khởi đầu mới.

Kinh Thánh thuật trận đại hồng thủy kéo dài 40 đêm ngày, Thánh tiên tri Mose ở trên núi Sinai 40 ngày diện kiến trước Thiên Chúa để được lãnh nhận 10 giới răn của Chúa ban cho, Tiên tri Elija trải qua cuộc hành trình 40 ngày, 40 đêm băng qua sa mạc đến núi Horeb gặp Chúa, dân Israel trên đường từ Aicập đã đi 40 năm băng qua sa mạc, rừng rú trở về đất nước Thiên chúa hứa ban. Và Chúa Giêsu Kitô cũng đã sống trải qua 40 ngày ăn chay cầu nguyện trong hoang địa sa mạc trước khi ra đi rao giảng nước Thiên Chúa.

Ngay từ thế kỷ 4. Công đồng Nicea đã ấn định 40 ngày mùa chay cho đến ngày mừng lễ Chúa Giêsu sống lại, là thời gian chuẩn bị cho tân tòng, người lớn xin nhập đạo công giáo nhận lãnh bí tích rửa tội, cũng như ôn nhớ lại bí tích rửa tội cùng ăn năn thống hối. Con số 40 là hình ảnh cho thời gian sự trở về và bắt đầu một khởi đầu mới.

Theo truyền khẩu dân gian, vào ngày thứ Tư lễ tro qủy dữ, ngày xưa cũng đã là một thiên thần bên ngai Thiên Chúa, nhưng vì tội kiêu ngạo quay lưng chống lại Thiên Chúa, nên bị đuổi đẩy ra khỏi thiên đàng trên trời.

Trong nếp sống tâm linh

Việc ăn chay, xức tro mặc áo vải thô để tỏ lòng thống hối có nguồn gốc từ thời xa xưa trong Kinh Thánh

„Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.“ (Tiên tri Giona 3,6)

„Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van.“ (Tiên tri Danien 9,3).

Vào thời xa xưa trong Giáo hội cũng có tập tục mùa chay ăn năn thống hối mặc áo vải thô, xức tro. Nhưng từ thế kỷ thứ 10. tập tục này bị quên lãng không còn nữa. Thay vào đó chỉ có xức tro ngày thứ tư lễ tro và ăn chay, cầu nguyện cùng làm việc bác ái giúp người nghèo khổ.
______________

Hằng năm vào mùa chay, các Đức Giáo Hoàng thường đều gửi một thông điệp cho toàn thể Giáo Hội. Năm nay, thông điệp mùa chay có chủ đề „Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh.” (Mt 24:12).

Đức Giáo Hoàng vạch ra một trong những nguyên do đưa đến sự nguội lạnh băng gía trong đời sống: gây ô nhiễm mang đến sự dữ nơi môi trường sinh sống.

„Chính thiên nhiên cũng trở thành một chứng tá im lặng cho sự băng giá lòng mến này. Trái đất bị đầu độc bởi rác rưởi người ta loại ra vì xem thường hoặc vì tư lợi cá nhân. Các vùng biển, chính chúng cũng bị ô nhiễm, vùi chôn thi hài của cơ man các nạn nhân bị đắm tàu do nạn di cư cưỡng bách. Thiên đàng trần thế, theo kế hoạch của Thiên Chúa, được tạo ra để hát vang những lời tán tụng Ngài, lại bị gầm rú bởi các động cơ đang đổ xuống như mưa các khí cụ của sự chết.

Lòng mến cũng có thể trở nên băng giá trong cộng đồng của chúng ta. Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, tôi đã tìm cách mô tả những dấu chỉ hiển nhiên nhất về tình trạng thiếu lòng mến này: đó là thói ích kỷ và sự lười biếng tinh thần, chủ nghĩa bi quan vô sinh, cám dỗ tự quy chiếu, chiến tranh không dứt giữa chúng ta và cái não trạng trần tục khiến chúng ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm bớt nhiệt tình truyền giáo của chúng ta. [4]“

Và ngài suy niệm về chay tịnh mang đến hiệu qủa chữa lành vết thương tâm linh:

„Chay tịnh làm yếu đi xu hướng bạo lực của chúng ta; nó giải giới chúng ta và trở thành một cơ hội quan trọng cho sự tăng trưởng. Một mặt, chay tịnh cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo khó và đói khát phải chịu đựng. Mặt khác, chay tịnh thể hiện sự đói khát thiêng liêng của chúng ta và lòng khao khát cuộc sống trong Chúa. Chay tịnh thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú ý hơn đến Thiên Chúa và người láng giềng của mình. Chay tịnh làm sống lại trong ta mong muốn vâng lời Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta.“ (Đức Giáo hoàng Phanxico, Thông điệp mùa chay 2018).

Thứ Tư lễ Tro 2018
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Hy vọng là mầm phát sinh sức sống mới. Sống không hy vọng là sống căng thẳng và nhàm chán như một tuần làm việc mà không có niềm vui mong đợi một ngày cuối tuần được nghỉ ngơi.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 56

Yesterday 493

Week 1584

Month 2121

All 459420

Currently are 19 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions