Hằng năm vào ngày 02. Tháng Hai, 40 ngày sau lễ Chúa Giêsu giáng sinh, Giáo Hội mừng lễ đức mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thờ .
Đâu là nguồn gốc lịch sử cùng ý nghĩa đạo đức thần học ngày lễ này?
Trước Công đồng Vatican II. lễ này có tên lễ „thanh tẩy“ bắt nguồn từ tập tục theo luật lệ thời Cựu ước trong Do Thái Giáo. Theo luật lệ xa xưa qui định, người mẹ 40 ngày sau khi sinh con trai, và 80 ngày sau khi sinh con gái, vì chưa thanh sạch, nên phải được thanh tẩy, như chép trong luật Ông Mose nơi sách Leviticus (Levi 12,1-8) .
Lễ vật để thanh tẩy theo luật lệ là một con chiên một tuổi hay chim bồ câu non hoặc chim gáy non làm lễ xá tội để được thanh tẩy cho trong sạch.
Ngoài ra lễ này cũng còn có tên gọi là lễ nến của Đức mẹ Maria nữa.
Nhưng từ 1969 Công đồng Vatican II. cải tổ lại Phụng vụ không còn mang tên lễ đức mẹ Maria thanh tẩy hay lễ nến của Đức mẹ Maria nữa, mà đổi tên thành lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ.
Đức mẹ Maria sau khi hạ sinh Chúa Giêsu không cần phải được thanh tẩy. Vì Đức mẹ sinh Chúa Giêsu là đấng mang lại sự thanh tẩy cho nhân loại. Đức mẹ Maria dẫu vậy vẫn trung thành tuân giữ luật lệ truyền buộc, và để hoàn thành như lời đã đoan hứa.
Theo phúc âm Thánh Luca (Lc 2, 22-40) hài nhi Giêsu được cha mẹ mang vào đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo như luật đã ấn định từ xa xưa. Nơi đó Ông Simeon và Bà Hanna đã gặp nhận ra hài nhi Giêsu là ánh sáng đấng cứu thế cho con người.
Ngay từ thế kỷ thứ tư bên Giáo hội Đông phương đã mừng lễ này 40 ngày sau lễ Chúa Giêsu giáng sinh. Bên Đông phương mừng lễ Chúa giáng sinh vào ngày 06. Tháng 12., nên lễ này mừng vào ngày 14. Tháng hai.
Bên Giáo hội Chính Thống từ thế kỷ thứ năm ngày lễ này có tên Hypapante - Lễ gặp gỡ. Vì Đấng cứu Thế vào đền thờ của mình và gặp gỡ dân Thiên Chúa thời cựu ước đại diện là Ông Simeon và bà Hanna.
Đền thờ Giêrusalem với người Do Thái là ngôi nhà của Thiên Chúa trên trần gian. Từ nơi nầy ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa ra khắp trần gian. Vì thế, cuộc gặp gỡ trùng phùng giữa Thiên Chúa và những người đạo đức luôn hằng trông chờ Thiên Chúa, đã xảy diễn ra ở trong đền thờ.
Bên Giáo hội Roma mừng lễ Giáng sinh ngày 25. Tháng 12, nên lễ này mừng vào ngày 02. Tháng Hai, từ giữa thế kỷ thứ năm với rước kiệu Nến.
Tập tục rước kiệu nến để thay thế vào tập tục của lương dân lúc đó có tập tục rước kiệu đền tội.
Ánh sáng của cây nến nhắc nhớ đến những lời Ông Simeon nói tiên tri về Chúa Giêsu là „vinh quang của dân Israel, là ánh sáng soi chiếu cho lương dân“. Hai từ ngữ „vinh quang và ánh sáng“ này đã được Tiên Tri Isaia (42,6, và 49,6) tiên báo nói trước đó về Người tôi tớ Thiên Chúa. Như thế Hài nhi Giêsu được nhận ra là người tôi tớ Thiên Chúa, mà tiên tri Isaia đã diễn tả trước về khuôn mặt tương lai còn ẩn chứa bí ẩn nhiệm mầu. Sứ mạng chính yếu của người tôi tớ Thiên Chúa cho cả nhân loại phổ quát, mang ánh sáng sự mặc khải cho muôn người trên trần gian.
Ông Simeon không chỉ nói tiên tri về hài nhi Giêsu là vinh quang dân Israel, là ánh sáng cho muôn dân. Nhưng ông còn nói tiếp hài nhi Giêsu là cớ cho người ta chống đối, người mẹ trẻ Giêsu sẽ phải chịu đau khổ như gươm đâm thấu lòng.
Như thế ông Simeon đã nói trước về sự đau khổ, về thập giá đời hài nhi Giêsu sẽ phải gánh chịu. Sứ mạng Người tôi tớ Thiên Chúa nơi hài nhi Giêsu là ánh sáng của Thiên Chúa cho trần gian, nhưng sứ mạng này bị bao trùm bởi bóng tối của đau khổ của thập gía.
Cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa. Nhưng bị chống đối, bị chối từ và sau cùng bị kết án đóng đinh trên thập giá cho tới chết. Dẫu vậy sứ mạng mang ánh sáng cho muôn dân của ngài không bị dập tắt tiêu hủy trong nấm mồ sự chết. Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Ngài là vinh quang, là ánh sáng sự sống cho con người được ơn cứu chuộc khỏi hình phạt tội lỗi.
„Trong đời sống người Kitô hữu tin theo yêu mến Thiên Chúa luôn hằng sống trong sự trái ngược. Thiên Chúa luôn bị nhìn như là giới hạn của sự tự do con người. Và như thế Ngài phải bị loại trừ, để con người sống hoàn toàn tự do như mình là mình.
Thiên Chúa là chân lý. Ngài đứng đối chiếu lại sự giả trá gian dối dưới muôn vàn hình thức, đối chiếu lại sự ham muốn và sự kiêu ngạo của con người.
Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng tình yêu cũng có thể bị ghen ghét hận thù, nơi tình yêu bị chà đạp, bị thách thức. Tình yêu đây không phải là cảm giác thi vị lãng mạn, là wellness - sự chăm sóc sức khoẻ và vẻ đẹp - hay không khí lâng lâng thoải mái trong bể bơi hồ tắm, nhưng đó là sự giái thoát khỏi ràng buộc áp chế trong con người. Sự giải thoát này được trả giá bằng đau khổ của thập gía..
Lời tiên tri về ánh sáng và lời về thập gía chung hợp đi đôi với nhau.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog, Herder 2012, Tr. 93).
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long