Trong lao tù, Đức cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận thuở những năm 70. 80. của thế kỷ trước đã viết thành tập sách „Đường hy vọng“ những suy niệm nội tâm của mình về đức tin vào Thiên Chúa. Trong đó có câu suy niệm:
„Người đời cho là chết, con phải là kẻ sống. Người đời gọi là hơi thở cuối cùng, con phải gọi là cuộc đời mới. Người đời gọi là chấm dứt, nhưng đối với con là khởi sự.“ (Đường hy vọng, Câu số 669).
Câu suy niệm chan chứa niềm hy vọng này không phải chỉ là cảm nghiệm tâm lý để an ủi mình trong cô đơn lâm vào đường cùng! Nhưng đó là suy niệm nói lên đức tin vào Thiên Chúa, đấng là sự sống, là khởi đầu và cùng đích của đời sống con người.
Lời suy niệm tuyên tín này cũng củng cố mang lại sức mạnh tinh thần cho chính ngài lúc đó và cho nhiều người khác nữa.
Lời suy niệm này diễn tả chiều sâu của lời tuyên tín trong kinh Tin Kính: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lạị.
Hằng năm, xưa nay từ hàng chục thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp, Giáo hội Công giáo luôn hằng kêu gọi khuyến khích người tín hữu Chúa Giêsu Kitô nhớ đến cầu nguyện cho người đã qua đời. Và dành tháng Mười Một hằng năm tưởng nhớ cầu nguyện cho các người đã qua đời trong toàn thể Giáo hội Công giáo,.
Cung cách sống đức tin như thế biểu lộ niềm hy vọng cho đời sống con người sau khi cuộc sống trên trần gian chấm dứt: có một đời sống ở bên kia sau khi chết, có một khởi đầu mới sau khi con đường đời sống trên trần gian đã qua đi.
Cung cách sống đức tin liên kết với người đã qua đời qua lời cầu nguyện, qua tưởng nhớ đến họ còn nói lên: đời sống con người không chỉ như cơ hội về sinh vật học về tâm lý giới hạn thu hẹp trong một không gian và thời gian nào. Sự chết không là sự chấm dứt căn bản sự sống.
Cung cách sống tưởng nhớ đến người qúa cố không căn cứ vào phần mộ của người đã qua đời có hay không còn nữa.
Nhưng người đã qua đời, dù đã lâu năm hay không còn phần mộ, không biến mất khỏi tâm hồn, khỏi trái tim lòng nhớ nhung, lòng biết ơn nơi người còn sống trên trần gian. Giữa người đã qua đời và người còng sống, như vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em, bạn bè… khi còn chung sống với nhau sợi dây đời sống tình nghĩa, tình máu mủ ruột thịt gắn liền chặt khăng khít với nhau suốt đời sống rồi. Nên một người tuy đã qua đi, nhưng họ vẫn hằng sống động trong tâm hồn trái tim người còn đang sống trên trần gian.
Nấm mồ của người qua đời là cái gì cụ thể cho người còn sống trông thấy được. Và ai cũng muốn rằng có nấm mồ người đã qua đời để ra thăm viếng chăm sóc... Nhưng khi nấm mồ không còn, hay không có nữa, hình ảnh người qua đời, công đức tình nghĩa của người qua đời đâu có vì thế mà không còn. Trái lại có khi càng hiển thị sâu đậm khăng khít hơn nơi người còn sống. Họ vẫn hằng sống trong tâm hồn trong trái tim của người còn sống.
Và con người được Thiên Chúa tạo dựng nên không chỉ có thân xác, xương cốt, nhưng còn có phần tinh thần, phần linh hồn nữa. Khi chết thì thân xác xương cốt tan rã, nhưng linh hồn, lịch sử đời sồng con người trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình.
Thiên Chúa dựng nên thân xác con người từ hư vô, từ bụi đất. Và ngày sau cùng , như chúng ta tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, Thiên Chúa cũng sẽ cho người đã chết sống lại với một đời sống mới và khác, do quyền năng của Ngài tạo dựng nên từ hư vô. Và như thế nào con người chúng ta không ai biết được.
Tưởng nhớ đến người đã qua đời là lòng biết ơn, lòng trung thành gắn bó giữa người còn sống với người đã qua đời. Đó là nếp sống đạo đức, là niềm hy vọng, là nếp sống tình người, cùng rất đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng dựng nên đời sống con người hôm qua hôm nay và ngày mai.
Đức cố Hồng Y Joachim Meisner đã có suy tư về sự chết: „Sự chết với tôi thuộc về đời sống. Nó không là gì khác hơn, đó là sự trao phó dâng đời ta sang bàn tay của Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người!“
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long