Mùa chay hằng năm trong nếp sống đức tin người Công giáo không là hình thức bên ngoài biểu lộ sự ăn chay từ bỏ. Nhưng sâu xa hơn là cung cách xét mình đổi mối đời sống tâm linh cho ngay chính. Vì lối sống sai trái giới luật yêu thương trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng là nguồn tình yêu thương, với con người do Thiên Chúa tạo dựng ban cho sự sống và tình thương yêu, và cùng với công trình sáng tạo thiên nhiên của Thiên Chúa.
Giới luật tình yêu thương Chúa Giêsu mang đến trong trần gian cho con người. Nhưng thời trước Chúa Giêsu, thời Cựu Ước theo lề luật truyền thống tiên tri Mose viết để lại rất khắt khe, rất khác như đối ngược với lời Chúa Giêsu giảng dạy cùng cung cách đối xử của Ngài.
Kinh Thánh Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô viết thuật lại tình trạng đó: "Các người Luật sĩ và Biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: 'Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?' Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: 'Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi'. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.
Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.
Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: 'Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?' Nàng đáp: 'Thưa Thầy, không có ai'.
Chúa Giêsu bảo: 'Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa'". (Ga 8, 1-11)
Cung cách đối xử của Chúa Giêsu gợi lên sự suy nghĩ, nó có sức truyền cảm hứng về cung cách sống mùa chay đổi mới lối sống tâm linh. Nghe người khác đưa ra chứng cớ tố cáo, và thấy nạn nhân bị tố cáo đứng trước mặt. Nhưng Chúa Giêsu không nói hay hỏi phân trần lý giải, mà cúi xuống nền đất lấy tay viết vạch vẽ.
Người viết gì? Không ai biết cùng không có chứng tích gì để lại. Nhưng việc Ngài viết trên nền đất như thế có diễn tả nói lên điều gì không?
Các nhà khảo cứu Kinh Thánh xưa nay đưa ra nhiều giả thuyết suy diễn về điều này.
Thánh Giáo phụ Augustinus có suy tư: Chúa Giêsu dùng ngón tay viết trên nền đất cũng là hình ảnh ngày xưa trên núi Sinai Thiên Chúa Giave đã viết 10 điều răn lề luật trao cho Ông Mose bằng ngón tay của Ngài trên tấm bia đá. (Xh 31,18).
Giả thuyết nghĩ rằng Chúa Giêsu trong thâm tâm, trong tâm hồn nghĩ đến lịch sử nguồn nước đời sống của dân Do Thái thời xưa, và nguồn nước ơn cứu độ cho tâm hồn hồn con người. Nên Ngài dùng ngón tay mình viết vẽ vạch trên nền đất theo ý nghĩa câu Kinh Thánh của Ngôn sứ Gieremia: "Những ai lìa bỏ Chúa sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ thành bụi đất, vì họ đã lìa bỏ Thiên Chúa là mạch nước trường sinh." (Geremia 17,13).
Ngài nghĩ đến câu Kinh Thánh đó đang khi viết vẽ nền trên đất. Vì các người phái Phariseo đã quên Giave Thiên Chúa, Đấng là nguồn nước tuôn chảy sự sống động tình yêu thương, mà chỉ còn biết dựa vào những câu chữ của lề luật khô cứng.
Và lời Kinh Thánh này hợp với sứ mạng của Chúa Giêsu. Vì chính Người qủa quyết, tự nơi Người chảy vọt tuôn trào nguồn nước sự sống cho những ai tin vào người.
Ai không tin Chúa Giêsu sẽ bị khô hạn, trở nên cứng nhắc thiếu tình yêu thương, thiếu vắng sự sống. Và một khi như thế họ dễ dàng lên án, kết tội người khác.
Chúa Giêsu là nguồn nước sự sống. Từ nơi nguồn nước đó sự sống phát sinh trở lại, khi vì tội lỗi làm xa cách ra khỏi dòng suối nguồn nước sự sống đó.
Rồi có một giả thuyết suy nghĩ nữa, Chúa Giêsu viết trên nền đất dòng chữ "Terra terram accusat - Đất kiện tố cáo đất". Vì các thầy cả phái Phariseo và các thầy Luật sĩ cũng là con người được tạo thành từ đất cùng sống trên mặt đất, bây giờ đi tố cáo, kết án người phụ nữ cũng từ đất mà ra đang sống trên mặt đất. Như thế kẻ tố cáo kết án cùng người bị tố cáo bị kết án cũng là do từ đất mà ra, và sau cùng trở về thành bụi đất thôi.
Ngay từ thế kỷ 9. sau Chúa giáng sinh đã có suy luận: "Digito scribebat in terra terram accusatur - Bằng ngón tay Người (Chúa Giêsu) đã viết trên nền đất: Qua đất, đất bị tố tụng kiện cáo".
Thấy Chúa Giêsu cứ yên lặng cúi xuống viết trên nền đất, những người Luật sĩ và Biệt Phái lại hỏi : "Thầy nghĩ sao về chị phạm tội này?". Chúa Giêsu ngẩng mặt lên và hỏi lại: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và lại Người ngồi xuống và tiếp tục viết trên đất.
Qua cung cách xử sự im lặng cúi ngồi viết trên nền đất của Chúa Giêsu các người Luật sĩ đi tố cáo dần sinh ra nóng nảy, lúng túng, cảm thấy bất an, như có sự gì không ổn!
Cung cách viết trên đất của Chúa Giêsu chỉ vạch ra thân phận con người là đất cát bụi. Họ cũng như những con người khác được tạo thành từ đất, cùng có như nhau khát vọng, dục vọng thèm muốn. Cung cách Chúa Giêsu vạch vẽ trên nền đất thư thế nói lên sự thật nền tảng của đời sống mọi con người.
Trong cung cách vạch viết trên đất có thể như là hình ảnh một tấm gương cho tâm hồn riêng mỗi người soi vào để nhận ra mình. Nhưng những nhà Luật sĩ không chấp nhận tấm gương soi như thế để soi nhìn vào. Họ không muốn tỏ ra mình là những yếu thế người lúng túng bất an. Nên họ tíếp tục đặt câu hỏi.
Chúa Giêsu nhìn họ và nói một câu trúng thẳng vào lương tâm trái tim tâm hồn họ, như dân gian có ngạn ngữ "Trúng tim đen!": "Ai trong các ngươi là người sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi!"
Nghe câu nói đó, họ cảm thấy có gì bất an ngay nơi tâm hồn lương tâm trí khôn mình. Họ đem chị phụ nữ đến tố cáo với Chúa Giêsu. Nhưng bây giờ lương tâm, trí khôn của họ tố cáo lại họ.Và như Phúc Âm thuật lại, họ lần lượt âm thầm rút lui đi khỏi chiến trường do chính họ giăng bẫy bày ra! Không ai trong bọn họ còn có can đảm cầm hòn đá nào kết án ném lên đầu lên thân thể người phụ nữ bị chính họ đem đến tố cáo đã phạm tội.
Câu trả lời, câu nhắc nhở thách thức đầy uy lực thuyết phục của Chúa Giêsu mở ra một chân trời sáng tạo mới cho những lời lải nhải của những người Phariseo, của những Luật sĩ tự cho mình là người khôn ngoan công chính dùng lề luật truyền thống đi tố cáo gài bẫy Chúa Giêsu.
Câu trả lời ngắn gọn của Chúa Giêsu diễn tả chiều sâu thẳm sự khôn ngoan và trái tim lòng nhân lành tràn đầy tình thương xót của Ngài với mọi con người, dù là người tội lỗi.
Qua câu trả lời đó Chúa Giêsu để cho họ, cho lương tâm mỗi người tự nhận biết lấy bổn phận trách nhiệm của riêng mình.
Chúa Giêsu hỏi chị phụ nữa một mình đứng đó bơ vơ: "Họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?".
Chị trả lời: "Thưa Ngài, không ai!". Câu trả lời của chị phụ nữ nghe như một tiếng thở phào nhẹ nhàng thoát ra. Nó tựa giống như một cục đá đè nặng tâm hồn chị ta bây giờ rơi ra khỏi trái tim tâm hồn, và cảm thấy được khoan khoái nhẹ nhàng!
Chúa Giêsu không tra khảo hay biện hộ xin lỗi cho hành động thiếu đúng đắn không tốt của chị ta. Nhưng tha thứ cho chị ta cùng hướng về tương lai: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa."
Chúa Giêsu đã gỡ giải thoát tâm hồn cho chị chuyển đổi sang một đời sống mới đưa dẫn đến nguồn ơn tha thứ bình an. Từ vùng mầu tím u buồn sang vùng trời xanh đầy sức sống vươn lên. Qua đó chị phụ nữ tiếp nhận được năng lượng mới cho tâm hồn đời sống, giúp chị vượt qua những đau khổ. Phải, những xấu hổ mắc cở đang đè nặng tâm hồn đời sống mình!
Ơn tha thứ bình an rất cần thiết cho đời sống con người trong mọi giai đoạn hoàn cảnh đời sống hôm nay và ngày mai. Trong cuộc sống thường ngày, giới luật yêu thương, tha thứ cho nhau là cung cách lối sống căn bản rất cần thiết giúp xây dựng hỗ trợ đời sống cho nhau về mặt tinh thần cũng như thể lý. Dẫu vậy: "Giới luật yêu thương", nghe thì dễ, nhưng thực tình rất khó. Bời vì sẽ mãi mãi có những mâu thuẫn trong cuộc sống giữa các tính tình, giữa các ý kiến và giữa các quyền lợi. Ngay trong một gia đình, bác ái yêu thương, đôi khi cũng là vấn đề có nhiều sóng gió. Ðiều ta cố gắng làm để xây dựng bác ái yêu thương, không phải là xoá bỏ mọi khác biệt, để cái gì cũng nhất trí như nhau, nhưng là biết kính trọng nhau, thông cảm nhau, tha thứ cho nhau, và bổ túc cho nhau. (Cố Giám mục GB. Bùi Tuần)
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long