Hằng năm trong nếp sống đạo đức của Giáo Hội có mùa chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giesu Kitô phục sinh, ngày lễ quan trọng trung tâm điểm của năm phụng vụ Giáo Hội.
Ngày lễ mừng trung tâm này không giới hạn vào một ngày lễ mừng. Nhưng có hai mốc thời gian trước và sau đó. Mùa thời gian trước chuẩn bị tới ngày lễ. Và sau đó mùa phục sinh, từ lễ Chúa phục sinh tới lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, là mùa phát triển mở rộng.
Mùa chuẩn bị trước lễ Chúa phục sinh có tên gọi là mùa chay bắt đầu từ ngày thứ Tư lễ Tro và kéo dài 40 ngày liền.
Con số 40 là con số trong Kinh Thánh có gía trị biểu tượng cao cả thánh đức: Tiên tri Elija ăn chay đi 40 ngày trong sa mạc tới núi Horeb gặp Thiên Chúa Giave. Dân Israel xuất hành đi xuyên suốt qua sa mạc 40 năm từ nước Ai Cập trở về quê hương Thiên Chúa hứa ban. Tiên tri Mose ở trên núi Sinai cầu nguyện 40 ngày chờ đợi đón nhận Mười điều răn của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu Kitô vào sống trong sa mạc ăn chay 40 đêm ngày trước khi ra đi rao giảng nước Thiên Chúa.
Cung cách sống mùa chay thời xa xưa trong Giáo hội rất nghiêm ngặt, phải sống từ bỏ không ăn thịt, không uống bia rượu, mà còn từ bỏ cả lối sống vui ưa thích nữa, như những thú vui nhộn, kịch nhạc xiếc…Và trong tuần lễ mùa chay vào các ngày thứ sáu phải ăn chay hãm mình, có nơi có người ăn rất ít, ăn lạt cùng chỉ uống nước lạnh…, và trong suốt mùa chay 40 ngày không được ăn cả những loại thực phẩm như sữa nữa. Nhưng ngày nay việc ăn chay kiêng thịt chỉ vào hai ngày trong mùa chay: Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.
Thời gian ba năm vừa qua (2020-2022) nhân loại sống trải qua cơn khủng hoảng đe dọa do bệnh đại dịch Corona gây ra khiến mọi người phải bắt buộc sống trong giới hạn nghiêm ngặt tựa như ăn chay. Tình trạng khủng hoảng này đã làm đảo lộn những thói quen nếp sống không chỉ thường ngày, mà cả những sinh hoạt nhu cầu ưa thích, cùng cần thiết nữa như giao tiếp liên lạc xã hội. Trong đời sống con người bị bó buộc phải hy sinh từ bỏ cung cách thân tình sống sát gần nhau, phải giữ khoảng cách biệt lập giới hạn sự gặp gỡ đụng chạm thân thể, để vi trùng không chuyền sang nhau tránh lây lan truyền nhiễm. Họ phải đeo khẩu trang, phải rửa tay khử trùng giữ vệ sinh nghiêm ngặt khi gặp nhau, dù là giữ khoảng cách. Tất cả trở thành xa lạ cùng bầu khí ngột ngạt sợ hãi nữa!
Như thế vi trùng đại dịch Corona đã khiến con người không chỉ sống từ bỏ kéo dài trong khủng hoảng đe dọa sợ hãi, nhưng theo khía cạnh đạo đức còn là hình ảnh một nếp sống mùa chay với những hy sinh từ bỏ (những) nhu cầu thói quen trong đời sống nữa, nhất là những thói quen gây ra nguy hiểm cho sức khỏe thể xác cũng như tinh thần!
Chưa hết. Càng ngày cung cách sống từ bỏ, sống thay đổi nếp sống cũ theo thói quen càng trở nên cần thiết cho môi trường thiên nhiên. Vì khí hậu vũ trụ đang trong tình trạng khủng hỏang có nguy cơ bị tàn phá hủy diệt.
Các đo đạc phân tích khoa học báo động nhiệt độ trong vũ trụ đang dần nóng dần thêm lên. Trái đất lâm vào tình trạng biến đổi khí hậu cùng trở nên khô và nóng, những tảng băng tuyết tan chảy mau khiến nước biển mặn dâng cao tràn vào nguồn sông ngòi đất liền, nạn hạn hán xảy ra nhiều nơi trên thế giới, mực nước nơi ao đầm hồ sông ngòi xuống thấp cạn dần, cảnh mưa gió bão lụt lội thường xuyên xảy ra tàn phá môi trường sinh sống cho thảo mộc cây cỏ, thú động vật và ảnh hưởng tồi tệ sâu rộng đến nguồn lương thực cùng sức khoẻ cho con người nữa.
Để cứu nguy tình trạng khủng hoàng này, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về khí hậu môi trường thiên nhiên đã báo động kêu gọi đưa ra những chương trình phải thay đổi cung cách nếp sống theo thói quen xưa nay gây phá hại khí hậu môi trường như từ bỏ xe chạy xăng dầu, từ bỏ động cơ máy nổ, than đốt thải ra khí độc hại CO 2, từ bỏ dùng plastic đồ nhựa nylon… Thay vào đó sử dụng nguồn sức thiên nhiên như sức gió, ánh nắng mặt trời, sức mạnh của nguồn nước thiên nhiên để sản xuất ra nămg lượng…giúp sống gìn giữ bảo vệ ngôi nhà thiên nhiên mà Thiên Chúa sáng tạo ban cho mọi loài cùng sinh sống trong đó.
Những kêu gọi đề nghị bảo vệ thiên nhiên đang trở nên thời sự được thế giới xã hội và cả tôn giáo hưởng ứng đề cao sắp xếp đưa vào chương trình thay đổi khẩn thiết hàng đầu. Sự từ bỏ lối sống thói quen cũ gây tác hại cho môi trường khí hậu thiên nhiên trở nên thời sự cấp bách mang sâu đậm trách nhiệm khía cạnh đạo đức, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói đến trong thông điệp Laudato Si (2015).
Từ bỏ nào cũng đòi hỏi phải học tập. Từ bỏ thói quen nếp sống ưa thích không lành mạnh vệ sinh, để giữ gìn vệ sinh sức khoẻ sống vượt qua khỏi tình trạng khủng hoảng bệnh đại dịch Corona đe dọa vừa qua đòi hỏi nhiều hy sinh tập dượt.
Từ bỏ thói quen sống dễ dãi sẵn có gây tác hại cho thiên nhiên để góp phần bảo vệ khí hậu môi trường thiên nhiên cho tránh khỏi khủng hoảng bị phá hủy đòi hỏi phải thay đổi lối sống cũ theo thói quen, cùng học tập cung cách lối sống tốt mới khác cho phù hợp thời sự.
Mùa chay tựa như tấm gương kính soi chiếu nhìn lại tâm hồn cuộc sống để nhận ra những thói quen nếp sống không phù hợp với đạo đức trong chiều kích thiêng liêng hướng tới Thiên Chúa, và cả trong chiều kích cuộc sống con người với nhau.
Và để đời sống tinh thần thiêng liêng trở nên tốt lành mạnh đòi hỏi phải từ bỏ, phải thay đổi cùng tập tành cung cách lối sống tốt đẹp lành thánh bác ái.
Nếp sống từ bỏ thay đổi củng cố nếp sống tinh thần hướng lên trời cao nơi Thiên Chúa, nguồn đời sống, và lan rộng chiều ngang đường chân trời sống tình bác ái và niềm hy vọng với thiên nhiên và con người.
Thứ Tư lễ Tro 2023
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long