Chúa nhật 3. Mùa Vọng là mốc điểm giữa mùa vọng và mùa mừng lễ Chúa giáng sinh ngày 25. tháng mười hai. Vì chỉ còn hai tuần lễ nữa đến ngày lễ mừng trọng thể sinh nhật hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế.
Vào những ngày trong mùa vọng phẩm phục phụng vụ mang mầu tím, mầu ăn năn thống hối. Nhưng ngày chúa nhật thứ 3. giữa mùa vọng phẩm phục phụng vụ mang mầu hồng, mầu nói lên sự vui mừng hân hoan. Vì thế chúa nhật có tên Gaudete- mừng vui.
Điều này diễn tả hình ảnh gì trong mùa vọng?
Theo tập tục nếp sống văn hóa lồng khung vào lối sống đạo đức, cây nến thứ ba vòng mùa vọng được đốt thắp lên. Cũng theo tập tục nếp sống văn hóa đạo đức xưa nay, ở thánh đường cũng như nhà tư nhân, hang đá Chúa giáng sinh, những cây thông giáng sinh bắt đầu được xây dựng, nến đèn điện cũng bắt đầu được treo trưng bày, có những gia đình sửa soạn nướng bánh tỏa hương thơm mùi quế, mùi Vanille, mùi cam…dọn dẹp nhà cửa sắm sửa quần áo, đồ đạc vật dụng mới…
Như thế mốc điểm giữa mùa vọng có hình ảnh dấu chỉ tai nghe, mắt xem thấy và mũi ngửi thấy niềm vui đang từ từ xuất hiện rộn ràng dậy vang lên.
Mùa vọng theo ý nghĩa đạo đức thần học là mùa sửa soạn tâm hồn đón mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh. Điều này rất đúng, rất chuẩn. Nhưng mùa Vọng còn có ý nghĩa khác nữa: Sự đến của nhân vật trọng đại!
Ngày xưa trước đây hai ngàn năm, nơi các đất nước thuộc vùng biển Địa trung hải, dân chúng có tập tục đón rước vị khách qúi cao cả long trọng hân hoan. Khi có tin thông báo vị uy quyền trong lãnh vực chính quyền, như Vua, hay lãnh chúa tỉnh vùng nào...đến thành phố thăm viếng, dân chúng nơi đó quét dọn đường xá sơn phết tô điểm cho đẹp và sạch sẽ, cờ quạt, bông hoa đèn được trưng bày nơi mặt tiền các nhà khắp dọc đường phố, để nói lên sự hân hoan vui mừng chào đón Vị khách cao qúi đến thăm viếng.
Khi Vị khách cao qúi tiến vào thành, dân chúng vui mừng kéo nhau ra đường tung hô vạn tuế. Họ hô vang: Kyrie eleison - Xin Chúa thượng thương xót chúng tôi!”.
Câu tung hô này, ngày nay trong thánh lễ Misa, người tín hữu Chúa Kitô cũng đọc hay hát lên kêu cầu: Xin Chúa thương xót chúng con!
Nhưng có sự khác biệt giữa vị khách chính quyền cai trị thời cổ xa xưa trong dân chúng và Thiên Chúa chúng ta mừng trong mùa Vọng hằng năm.
Vị hoàng đế lãnh chúa thời cổ xa xưa dùng quyền hành, sự quyền qúi sang trọng, sức mạnh của vũ khí, của luật lệ thống trị dân chúng. Người dân trong xã hội là những người phải sống tuân theo phục vụ cho nhà vua, cho vị lãnh chúa của vùng miền đất nước. Đời sống của họ trong nhung lụa lâu đài cung điện, lúc qua đời được an táng trong lăng tẩm dành riêng cùng có sử sách ghi công tôn vinh thần thánh hóa.
Nhưng (Thiên) Chúa chúng ta, hiện thân nơi hài nhi Giêsu, thì không vậy.
Hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh trong chuồng xúc vật ngoài cánh đồng Bethlehem. Điều này nói lên đời sống đơn giản nghèo hèn của một người không cửa nhà ngay từ lúc đầu đời.
Rồi trong suốt dọc đời sống ba mươi năm trên trần gian Vị Chúa Giêsu sống cũng không nhà cửa, nay đây mai đó dọc đường đất nước Do Thái rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa cho con người.
Và sau cùng chết tức tưởi cô đơn bị đóng đinh trên thập gía. Nấm mồ an táng của Ngài cũng là ngôi mộ của Giuse Arimathia nhường lại cho.
Tình yêu là bản vị căn bản sứ điệp đời sống của chính Ngài cùng cho con người.
Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta“. (Mt 11, 4-6)
Chính vì thế, người tín hữu Chúa Kitô trong mùa Vọng mừng sự đến của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong trần gian cùng với sự chuẩn bị sửa soạn trong niềm vui mừng tai nghe, mắt thấy và mũi ngửi được mùi vị hương thơm.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long