Giấc mơ suy tưởng thường bị cho là không thật, viển vông không đúng với thực tế đời sống.

Nhưng trong đời sống xưa nay luôn có những giấc mơ, và luôn có những người sống với những giấc mơ.

Đành rằng giấc mơ (tưởng) nhiều khi không đi đôi đúng với thực tế diễn xảy ra, hay chỉ là những mong muốn thôi. Nhưng xưa nay có ai là không có giấc mơ tưởng, và không cần sống có giấc mơ tưởng đâu!

Giấc mơ có thể có khía cạnh tiêu cực tựa như chuyện thần thoại hoang đường. Nhưng giấc mơ cũng có khía cạnh tích cực. Nó như hình ảnh phác họa thúc đẩy tâm trí có suy nghĩ sáng tạo vươn lên.

Trong niềm tin đạo giáo có giấc mơ tưởng không? Và mang đến hình ảnh gì?

Trong dòng thời gian xưa nay luôn vẫn có những giấc mơ giúp làm nên lịch sử đời sống riêng tư cùng cho tập thể xã hội.

Tổ phụ Giacop, như trong kinh thánh thuật lại (Sáng Thế 28,11) đã có giấc mơ thấy một cái thang từ mặt đất bắc lên tới trời cao. Trên những bậc thang đó có các Thiên Thần Chúa lên xuống. Và trên đỉnh cao của thang Ông đã nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng hứa ban cho dòng dõi ông trở nên một dân tộc lớn mạnh. Thức tỉnh dậy, Giacop cho lập bàn tôn thờ kính Thiên Chúa ngay nơi đó có tên là Bethel.

Rồi Ông Giuse con của Tổ phụ Giacop cũng có giấc mơ (Sáng Thế 37,8). Ông thuật cho anh em mình thấy những bó lúa của các anh em qùi cúi đầu chung quanh bó lúa của mình. Và trong giấc mơ thứ hai Giuse thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao cũng phủ phục chung quanh mình. Như thế với các anh em ông là điều sỉ nhục họ qúa đáng. Nên họ tìm cách ám hại trả thù ông. Nhưng sau cùng họ đã bán Giuse cho những lái buôn sang làm nô lệ bên Ai Cập.



Sau đó Giuse lại bị bắt giam giữ trong tù (Sách Sáng Thế 41,1..). Trong lao tù Giuse đã được triệu đến giải thích hai giấc mơ khác thường của nhà Vua Pharao, mà trước đó các nhà chiêm bói triều đình không sao lý giải cắt nghĩa cho nhà vua được ý nghĩa giấc mơ của ông: Vua mơ thấy bảy con bò no béo bị bẩy con bò đói khát ăn trọn nuốt trửng, và bẩy bông lúa khô héo lấn át phủ lấp bẩy bông lúa no mẩy.



Giấc mơ này khiến nhà Vua lo lắng bối rối sợ hãi. Nhưng người tù tội Giuse đã được đưa đến để cắt nghĩa hình ảnh hai giấc mơ cho nhà Vua: Nước Ai Cập sẽ có bẩy năm bội thu được mùa, và sau đó bẩy năm liền xẩy ra nạn mất mùa đói khát.

Sự cắt nghĩa những giấc mơ nầy của Giuse cho Vua Pharao không do tâm trí của chính mình. Nhưng do Thiên Chúa ban cho. Và đó là chương trình của Thiên Chúa sắp đặt định liệu. Vì thế, Giuse được nhà Vua Pharao ân xá trọng dụng phong làm quan tể tướng lo việc kinh bang tế thế lo cho dân nước trong toàn Ai cập.

Và khi nạn đó mất mùa xảy ra không chỉ ở nước Ai cập, mà còn cả toàn vùng xứ Canaan quê hương của Giuse. Tể tướng Giuse đã mở kho lúa cứu gíup mọi người có thóc lúa ăn no đủ, kể cả gia đình anh em sang cầu xin mua lúa, mà ngày xưa họ vì ghen ghét “giấc mơ bó lúa” đã bán ông sang Aicập. Và vì thế gia đình cha con anh em được hội ngộ gặp lại nhau.

Bàn tay Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt thành chương trình biến những giấc mơ thành hiện thực tích cực cho con người.

Kinh thánh thuật lại Ông Giuse đang trong khủng hoảng hoang mang bối rối vì danh dự chuyện gia đình về luật đời cũng như luật lệ luân lý đạo đức… Trong giấc ngủ, Thiên Thần Chúa hiện đến nói cho biết: Giuse đừng sợ, hãy nhận Maria làm vợ. Vì bào thai trong cung lòng Maria là do quyền năng Chúa Thánh Thần tác động. Maria sẽ hạ sinh một người con, anh hãy đặt tên con trẻ là Giêsu.. Em bé Giêsu là Đấng cứu thế cho con người khỏi tội lỗi.

Tỉnh dậy nhận ra ý Chúa nói trong giấc mơ, Giuse bỏ ý định âm thầm đi trốn mà ở lại nhận là cha nuôi Chúa Giêsu, cùng với Maria đi xuống Bethlehem khai tên vào sổ bộ như lệnh hoàng đế ban truyền ra. (Mt. 1,9).

Rồi ở Bethlehem, sau khi hài nhi Giesu sinh ra, gia đình Giuse lại gặp sự cố nguy hiểm nữa. Vua Herode đại đế cho truy lùng tìm bắt giết hài nhi Giesu. Trong lo âu sợ hãi, Thiên Thần Chúa lại hiện ra với Giuse trong giấc mơ báo tin hãy đem con trẻ Giesu và mẹ Maria đi tỵ nạn trốn sang Ai cập. Giuse cũng làm như Thiên Thần báo cho biết trong giấc mơ.

Sau thời gian tỵ nạn bên Ai cập, Thiên Thần Chúa lại hiện ra với Giuse trong giấc mơ bảo: vua Herode đã qua đời hãy đem gia đình trở về quê hương Nazareth sinh sống. (Mt 2,19). Giuse lần nữa thực hiện như ý Thiên Chúa: đem gia đình thánh gia trở về quê nhà Nazareth bên nước Do Thái

Cả ba lần được báo tin trong giấc mơ, Giuse đã thực hiện đúng như ý Thiên Chúa qua lời báo tin của Thiên Thần Chúa.

Hoàng Đế Constantino của đế quốc Roma, vào thế kỷ thứ 4., theo sử sách thuật kể lại, đã có giấc mơ nhìn thấy thập gía Chúa Giêsu Kitô như hình ảnh dấu chỉ sự chiến thắng, hiện ra trên bầu trời ở thành Roma và nghe một tiếng nói với mình. Hoàng đế căn cứ theo hình ảnh dấu chỉ và lời nói đó cho là chương trình của Thiên Chúa nói cho. Ông tin vào thập gía Chúa Giêsu Kitô và đã thắng trận. Và giấc mơ đó là mốc điểm giờ khai sinh của nền văn hóa đạo Kitô giáo trong đế quốc Roma, được hoàng đế công nhận sau những thế kỷ bị theo dõi cấm cách bắt bớ.

Đức giáo hoàng Innocente III. Vào đầu thế kỷ 13. trong một giấc mơ đã nhìn thấy Phanxicô thành Assisi là người nâng đỡ xây dựng ngôi nhà Giáo Hội đang suy sụp. Nên ngài đã tin tưởng cho phép Phanxicô lập Dòng theo tinh thần phúc âm.

Mục sư Martin Luther King, bên Hoa Kỳ, ngày 28.08.1963 đã nói lên sự suy tưởng mong ước về sự bình đẳng, luật pháp cùng nhân phẩm cho mọi người trong xã hội Hoa Kỳ qua bài phát biểu thiên phú thần thoại “I have a dream - Tôi có một giấc mơ”. Giấc mơ “I have a dream“ của vị mục sư Martin Luther King đã đốt sáng lên ngọn đuốc phong trào đòi nhân quyền cho mọi người trong xã hội Hoakỳ được bình đẳng trong đời sống, và nạn kỳ thị chủng tộc mầu da trong đời sống xã hội được dần xóa bỏ.

Đức cố giáo hoàng Gioan 23., bây giờ là vị Thánh, đã có giấc mơ về một Giáo Hội do Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn điều khiển. Vì thế, ngài đã thiết lập Công đồng chung Vatican II, năm 1962 để tìm cách đổi mới đời sống Giáo hội

Vào mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn đớn mừng lễ Chúa giáng sinh, bài thánh thư sách Tiên Tri Isaia (Is 11,1-10) về hình ảnh như “giấc mơ thần thánh” diễn tả khung cảnh hòa bình của triều đại Thiên Chúa.

Những hình ảnh Tiên tri Isaia nói về chồi non bật nẩy ra hoa từ thân cây khô héo, về khung cảnh chó sói và chiên, bò non và sư tử, trẻ con và rắn lục cùng ăn chung, cùng chơi chung nhau, diễn tả mơ ước khát vọng của con người về sự bình an cho đời sống thịnh vượng, về một nếp sống hoà bình.

Mong ước này nằm sâu trong tận thâm tâm con người xưa nay. Nhưng thực tế đời sống lại khác. Phải, nó tàn bạo vũ phu kinh hoàng, như đã cùng đang diễn xảy ra trong chiến tranh bên đất nước Ukraina cùng các nơi khác trên thế giới.

Trong hoàn cảnh bi thương hoang mang, con người xưa nay đều hướng về tinh thần niềm tin đạo gíao tìm sự an ủi cứu giúp chữa lành. Và nơi đó tìm nhận được ánh sáng niềm hy vọng cho mơ ước đang trông mong chờ đợi.

Hình ảnh giấc mơ mùa vọng của Tiên tri Isaia là một mời gọi: xin đừng vội vàng cho là mọi sự không có thể. Với Thiên Chúa không có sự gì là không có thể.

“Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.” (Tiên tri Isaia).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


 

Nụ cười trong đau khổ tương tự như một bông hoa nở trong khe đá. Nó đẹp vì biểu lộ một sức sống phi thường bên trong.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 418

Yesterday 501

Week 1453

Month 1990

All 459289

Currently are 27 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions