Hằng năm Giáo hội Công giáo mừng kính lễ các Thánh Nam Nữ chung vào ngày 01.Tháng Mười Một.

Nhưng đâu là nguồn gốc ngày lễ mừng kính này?

Ngày lễ mừng kính này theo sử sách có từ thế kỷ 4. sau Chúa giáng sinh. Những tín hữu Chúa Kitô thời Giáo hội lúc ban đầu đã tưởng nhớ tất cả các Vị Thánh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ muốn liên kết lễ mừng các Vị Thánh với lễ mừng Chúa Kitô phục sinh.

Ngày Chúa nhật lễ mừng kính này bắt nguồn từ sáng kiến của Thánh giáo phụ Gioan Chrysostomus, mà ngày xưa được mừng kính vào tuần lễ tám ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Bên Giáo hội Chính Thống Hylạp vẫn còn giữ tập tục ngày lễ mừng kính này vào thời điểm như thế.

Đời sống các Vị Thánh được hiểu công nhận là tấm gương phản ảnh biến cố cứu chuộc của Chúa Giêsu phục sinh. 

Phụng vụ mừng kính chung các Thánh bên Giáo hội Công giáo Roma có nguồn gốc từ lễ nghi tôn kính các vị Thần của người dân ngoại Roma.

Người Roma đã xây ngôi đền thờ tôn kính chung các vị Thần của họ, theo tập tục văn hóa tôn giáo dân ngoại thời lúc đó, và lễ khánh thành ngôi đền thờ này diễn ra khoảng năm 602. Ngôi đền thờ tôn kính các Vị Thần dân ngoại có tên Pantheon còn hiện diện nguyên vẹn ngày hôm nay như di tích văn hóa lịch sử ở bên Roma.

Giáo hội Công giáo ở thành Roma dần lan rộng ăn rễ sâu trong xã hội, nên đã tiếp nhận ngôi đền thờ này, và đã thánh hiến thành ngôi đền thờ Công giáo dâng kính Đức Mẹ Maria nữ vương các Thánh tử đạo.

Từ thế kỷ 8. sự tương quan giữa lễ phục sinh và ngày Chúa nhật mừng kính chung các Thánh không còn được nhấn mạnh mối tương quan như lúc trước nữa. Nên trước hết bên Giáo hội Ái nhĩ lan mừng kính lễ này vào ngày 01. Tháng Mười Một. Sự thay đổi ngày mừng lễ không còn dựa trên lễ phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô nữa, nhưng nghiêng về chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên: vào đầu tháng Mười một ở bên Ái nhĩ Lan bắt đầu mùa Đông và Năm mới.

Từ thế kỷ 9. các vị Thừa Sai từ đảo quốc Ái nhĩ Lan mang tập tục này sang các nước bên vùng đất liền Âu Châu. Ngày lễ mừng kính chung các vị Thánh cũng hợp với tháng Mười Một tưởng nhớ các người đã qua đời. Vì tin rằng người Kitô hữu còn đang trên đường trần gian qua Chúa Giesu Kitô cùng liên kết với những người đã qua đời.

Sự thay đổi chóng qua thể hiện rõ nét diễn xảy ra trong chu kỳ thiên nhiên hằng năm nơi vạn vật nhắc nhớ tình cảm bén nhậy nơi con người về sự chóng qua của đời sống trên trần gian. Và qua đó mở ra tầm nhìn suy tư về đời sống sau khi qua đời cùng những mẫu gương hình ảnh nơi chín suối ngàn thu đó: Tất cả các Vị Thánh.

Năm 835 đức thánh cha Greogor IV. đã chính thức ấn định ngày lễ mừng kính này trong toàn thể Giáo hội Công giáo.

Vào ngày lễ mừng kính chung các vị Thánh, Giáo hội không chỉ mừng kính các người tín hữu Chúa Kitô Nữ hay Nam đã được Giáo hội tôn phong lên hàng các Thánh. Nhưng cả những người đã sống nếp sống đức tin cách âm thầm cùng triệt để trung thành vào Thiên Chúa nguồn sự sống và tình yêu. Và như thế họ cũng là những người có đời sống thánh thiện trước Thiên Chúa.

Thánh Gioan thánh sử trong sách Khải Huyền viết về các Thánh : “Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn (144.000)
người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Israel…Sau đó tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân nước, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhánh là thiên tuế.” (Sách Khải Huyền 7, 4.và 9.).

Bài tường thuật của Thánh Gioan như thế vẽ lên hai hình ảnh về cộng đòan những người được cứu chuộc: con số 144.000 người thuộc 12 chi tộc Israel, và một đoàn người đông đảo thuộc mọi dân nước, mọi nền ngôn ngữ văn hóa, mà không thể đếm hết được.

Nói đến 12 chi tộc dân Israel vào thời sau cùng thuộc về nếp sống văn hóa dân gian ngày xưa nói lên niềm hy vọng của dân Thiên Chúa. Con số 144.000 là con số hình ảnh biểu tượng một bên những người được cứu chuộc và nhấn mạnh đến họ thuộc về dân Thiên Cbúa, mà không căn cứ dựa trên nguồn gốc chi tộc, nhưng dựa trên nền tảng đức tin.

Đàng khác con số 144.000 là con số thánh diễn tả sự toàn vẹn và sự tròn đầy không có cùng tận: lấy số 3 chỉ về Thiên Chúa Ba ngôi vị nhân (x) với số 4 chỉ về bốn phương hướng trong công trình sáng tạo thiên nhiên nhân (x) với số 12 nói về 12 chi tộc dân Israel rồi nhân (x) với con số 1.000 chỉ về sự tròn đầy.

Đó chỉ là con số biểu tượng hướng chỉ dẫn giúp suy nghĩ hiểu về một đoàn đông đảo. Đoàn người đông đảo được cứu chuộc không cố định trên con số nào.

Tấm áo trắng họ mang mặc trên mình nói lên họ được thâu nhận sinh ra trong một công trình sáng tạo mới trên trời, và cùng được tham dự chung phần vào đời sống tròn đầy trên đó.

Tấm áo trắng cũng nhắc nhớ đến Bí tích Rửa tội ngày xưa họ đã lãnh nhận. Và cũng nói lên niềm hy vọng cho những người đã nhận làn bí tích Rửa tội. Ngày sau cùng khi ra trước ngai Thiên Chúa, tấm áo trắng bí tích rửa tội là dấu ấn chỉ thuộc về đoàn chiên của Chúa.

Nhành lá vạn tuế đoàn người đông đảo được cứu chuộc cầm trong tay như Thánh Gioan diễn tả cảnh trên trời nhắc nhớ đến lễ tạ ơn cầu mùa của người Do Thái hằng năm mừng để tưởng nhớ lại biến cố xuất hành của tổ tiên họ từ nước Aicập trở về quê hương đất Thiên Chúa hứa ban. Mùa ngày mừng lễ này, họ trưng bày cầm cành lá ca hát tưng bừng tạ ơn Thiên Chúa Giave.

Và đồng thời cũng nhắc nhớ đến biến cố cảnh dân chúng cầm cành lá tung hô đón mừng Chúa Kitô như vị Vua cỡi lừa đi vào thành Jerusalem cách đây hơn hai ngàn năm.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Ðời tôi là một bài luận mà tôi để cho Chúa làm đoạn kết.
_____ _____

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 29

Yesterday 380

Week 1080

Month 8266

All 318910

Currently are 13 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions