Hằng năm Hội Thánh Công giáo dành một ngày Chúa nhật trong tháng 10. là Ngày thế giới truyền giáo, họăc vào giữa tháng hoặc vào cuối tháng 10 dương lịch.

Đâu là hình ảnh nguồn gốc và sự phát triển thành hình ngày thế giới truyền giáo trong dòng thời gian lịch sử Hội Thánh Chúa Kitô ở trần gian?

Hội Thánh Chúa do Chúa Giêsu Kitô thiết lập không chỉ giới hạn trong nước Do Thái, nhưng có bổn phận phải loan truyền lan rộng ra cho mọi dân tộc khắp nơi trong công trình vũ trụ trên trần gian, hiểu biết về giáo lý tình yêu nước Thiên Chúa.

Sứ mệnh bổn phận đó Chúa Giêsu trao ủy thác cho các Tông đồ. Những vị nầy là cột trụ nền tảng của Hội Thánh Chúa ở trần gian:

“Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20).

Dựa trên lời Chúa trao lại cùng lòng tin vào Chúa, các Vị Tông đồ, sau khi Chúa Giêsu trở về trời, đã chia nhau ra đi khắp các nơi, trước hết đến các nước vùng đế quốc Roma thời lúc đó cách đây hai ngàn năm, làm nhiệm vụ truyền giáo đã lãnh nhận trực tiếp từ nơi Chúa.



Và trong dòng thời gian lịch sử, Hội Thánh kế tiếp do các Tông đồ trao truyền lại, đã nối tiếp công việc truyền giáo đó suốt dọc từ hai ngàn năm nay trên khắp thế giới. 



Công việc truyền giáo phát triển tùy theo mỗi hoàn cảnh thời đại, hoàn cảnh địa phương mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa dân tộc khác nhau. Nhưng cùng chung một nguồn gốc đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolo đã có suy niệm” Cùng vào một Chúa, một đức tin, một phép rửa. (Thư Epheso 4,5).



Cùng với đà phát triển việc truyền giáo trên khắp thế giới, cách đây 400 năm Giáo hội Công giáo ngày 06.01.1622 đã thiết lập một thánh Bộ lo việc truyền giáo chung có hệ thống, chất lượng nội dung cùng liên kết với nhau trong toàn thể Giáo hội khắp hoàn cầu. Nhưng Giáo hội cũng vẫn công nhận khuyến khích những nỗ lực hoạt động sáng kiến truyền giáo của mỗi dân tộc đất nước địa phương.



Đầu thế kỷ 19. phát sinh sáng kiến từ người Giáo dân một đường lối mới đầu tiên về việc truyền giáo. Phong trào truyền giáo mới này lan tỏa rộng gây bầu khí phấn khởi tích cự tham gia của người giáo dân trong lòng Hội Thánh.



Người đưa ra ý tưởng sáng lập đường lối mới là một chị Pauline-Marie Jaricot người Pháp. Năm 1819 chị khởi đầu kêu gọi quyên góp trợ giúp cho việc truyền giáo bên Trung Hoa.



Sáng kiến này mở ra con đường thành lập Hiệp Hội truyền giáo đầu tiên rộng rãi khắp nơi trên thế giới vào ngày 03.05.1822 ở thành phố Lyon bên nước Pháp (Societe pour la Propagation de la foi). Đây là mầm cơ bản sau này cho Hội giáo hoàng truyền giáo như hiện đang có.



Để tuyên dương ghi nhớ tinh thần dấn thân đạo đức cùng gương sáng đức tính anh hùng nhiệt thành vịệc truyền giáo, ngày 22.05.2022 Chị Jaricot đã được Đức Hồng Y Tagle, đương kim Bộ trưởng bộ truyền bá phúc âm cho các dân tộc của Giáo hội, tuyên phong lên hàng Á Thánh ở Lyon. 



Sáng kiến thành lập phong trào truyền giáo của chị Jaricot nhanh chóng lan tỏa dư âm tích cực khắp Âu châu. Năm 1832 vị Y sĩ Heinrich Hahn ở thành phố Aachen đã dựa trên gương mẫu đó thành lập Hội truyền giáo ở nước Đức.



Năm 1922 Hội truyền giáo Franz Xavier do Heinrich Hahn thành lập được Đức thánh cha Pio XI. công nhận là chi nhánh bên nước Đức của Hội giáo hoàng truyền giáo.

Từ ngày 01.01.1972 trở thành Hội Missio mang tính cách một Hội Công giáo trợ giúp quốc tế bên nước Đức. Hội Missio kế tục công việc của Hội giáo hoàng truyền giáo ở nước Đức.



Từ ngày đó Hội Missio luôn đề ra những chương trình chủ đề kêu gọi quyên góp trợ giúp việc truyền giáo trên tinh thần liên đới cùng giúp đỡ cho các Giáo Hội địa phương ở các nước khác trên thế giới. Missio bên Đức có hai văn phòng một ở Aachen, và một ở Muenchen kêu gọi quyên góp, phối hợp và điều hành công việc trợ giúp truyền giáo cho Giáo Hội các nước bên Phi Châu, Á châu, Nam Mỹ.



Ngoài ra, trong Giáo Hội, xưa nay ở các nước Âu Châu, Mỹ Châu cũng có những Dòng Tu, những hiệp Hội tư nhân khác sống theo đường hướng truyền giáo qua việc cầu nguyện, cùng trợ giúp về nhân sự cũng như tài chính cho những nơi cần thiết để xây dựng mở mang củng cố về cơ sở nhà cửa xứ đạo, trợ giúp đào tạo ơn kêu gọi chi nhánh Dòng tu…

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ ngày xưa trước khi trở về trời làm chủ đề ngày thế giới truyền giáo năm 2022: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Sách công vụ các Tông đồ 1, 8).

Lời nhắn nhủ sai đi này của Chúa Giesu không giới hạn trong phạm vi biên giới địa lý đất nước ở vùng châu lục nào, cũng không giới hạn trong một thời gian thiên niên kỷ, năm tháng ngày giờ nào, cũng không giới hạn nơi một dân tộc chủng loại con người, cũng không giới hạn vào một hoàn cảnh văn hóa xã hội hay tâm lý con người nào.

Nhưng trải rộng ra khắp mọi không gian biên giới nơi chốn hình thể địa lý, cho khắp mọi thời gian, mọi thời đại, mọi nền văn hóa, mọi hoàn cảnh đời sống xã hội cùng tâm lý của hết mọi dân tộc chủng loại con người.



Tin mừng tình yêu của Chúa phổ biến lan tỏa cho hết mọi tạo vật trong công trình vũ trụ thiên nhiên hôm qua, hôm nay và ngày mai.



Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Sắp chết đuối giữa lòng biển khơi, bất cứ vật gì nổi đều có giá trị cứu mạng. Đang lần mò trong bóng tối ban đêm, bất cứ điểm gì sáng đều có giá trị dẫn đường. Dòng đời không thiếu những vật nổi. Đường đời không thiếu những điểm sáng.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 421

Yesterday 501

Week 1456

Month 1993

All 459292

Currently are 27 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions