Ai cũng đề cao qúi trọng gía trị.
Nơi một đồ vật thể gía trị được nhanh chóng đánh gía bằng tiền bạc, như chiếc xe hơi gía vài chục ngàn, hay vài ngàn… Điều này nói lên gía trị của chiếc xe. Và bằng tiền có thể mua tậu được chiếc xe đó.
Nhưng có những đồ đạc vật thể yêu mến qúi trọng không thể thay thế, hay mua được bằng tiền bạc. Không phải gía trị của vật thể gía mua bán nhiều ít bao nhiêu. Nhưng là gía trị tinh thần gói ẩn trong đó.
Cô Vân đi hành hương, lúc về quên chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng ở khách sạn. Về đến nhà thấy không còn chiếc nhẫn, cô thẫn thờ tiếc xót. Sốt ruột cô gọi điện thoại nhờ hỏi bên khách sạn nơi phòng đã trú ngụ, để mong tìm kiếm xin lại chiếc nhẫn bỏ quên bằng mọi gía.
May cho cô. Khách sạn theo chỉ dẫn đã tìm lại được đúng chiếc nhẫn cô để quên trong phòng. Nhận lại được, cô mừng rỡ hạnh phúc khôn tả. Vì tìm lại được chiếc nhẫn gía trị qúy báu. Cô cho biết chiếc nhẫn theo thời gía không bao nhiêu tiền. Điều này cô không màng tới.
Nhưng điều cô quan tâm gắn bó tới gía trị chiếc nhẫn, vì đó là món qùa tặng của mẹ cho cô, mà bây giờ bà đã qua đời. Đó là chiếc nhẫn kỷ niệm, chiếc nhẫn tình yêu mến mẹ cô dành cho đời cô. Mỗi khi nhìn, đeo chiếc nhẫn đó, cô nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ mình, đến tình mẫu tử.
Cô yêu mến qúi trọng giá trị chiếc nhẫn. Vì món qùa tặng này ẩn hiện hình ảnh người mẹ.
Còn con người có giá trị thế nào? Có thể đánh giá bằng tiền bạc mua bán được không?
Xưa nay không thể mua con người bằng tiền bạc được, dù vẫn có những trường hợp người khác muốn nhận một em bé làm con nuôi,và thỏa thuận trả cho gia đình ruột thịt của em một số tiền... Nhưng thân thể hình hài sự sống em bé không là gía trị hệ tại nơi số tiền trả đó. Em là một con người,. Thân xác sự sống của em có gía trị linh thiêng qúi báu cao cả không có gì có thể so sánh được, mà Đấng Tạo Hóa ban cho đời em. Không có gì có thể thay thế cho sự sống linh thiêng của em được.
Người con trai thứ hai bỏ nhà ra đi sống đời tội lỗi ăn chơi phung phí hoang đàng, như dụ ngôn Chúa Giêu Kitô kể trong phúc âm thuật lại (Lc 15,1-32). Hết tiền sinh sống, anh ta lâm cảnh đói khát bơ vơ hoang mang. Anh thấy mình không còn gì, như không có gía trị gì nữa! Qúa mắc ở xấu hổ. Nhưng hoàn cảnh bó buộc, nên đành trở về nhà để cầu xin sao có miếng ăn no đủ cho khỏi bị chết đói giữa đường…
Nhưng người cha sinh thành ra anh không nhìn qúa khứ hoang đàng đưa đến cảnh nghèo túng đói khát, thân thể tiều tụy của con mình, hầu như làm cho bị mất gía trị nhân phẩm con người. Trái lại, ông vẫn nhìn nhận gía trị của con mình. Với ông giá trị con mình vẫn luôn tồn tại, cho dù cuộc sống bề ngoài sa đoạ tội lỗi, đói rách nghèo khổ của con mình thế nào đi chăng nữa.
Người cha không nói lời gì. Nhưng tâm hồn ông xúc động thổn thức. Ông chạy đến ôm hôn người con mình, sai cho người đi lấy quần áo tốt đẹp mặc cho, trao vào tay chiếc nhẫn tình yêu niềm vui mừng cha con, và còn tổ chức bữa ăn thịnh soạn ăn mừng.
Những cử chỉ này của người cha nhân hậu là hình ảnh không chỉ nói lên niềm vui hạnh phúc, cùng lòng nhân hậu thương xót. Nhưng còn sâu xa hơn nữa: Ông nhìn nhận ra gía trị cao đẹp qúi báu của người con là tài sản linh thiêng cao qúi. Không có gì có thể thay thế, hay đánh đổ tàn phá làm mất đi giá trị cao qúi linh thiêng đó được.
Người cha giầu lòng nhân hậu thương cảm với con mình là hình ảnh tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Ngài không chối từ bỏ rơi ai. Ngài luôn công nhận bảo vệ gía trị của con người, cho dù họ có nếp sống tội lỗi xa lìa hay chối bỏ Ngài, và hằng mong chờ họ trở về với Ngài.
Con người có kinh nghiệm sống sâu xa, vật chất là phương tiện sinh sống. Nó không là tất cả. Nó không làm nên giá trị con người. Nhưng chính con người làm ra nó, và khoác cho nó một gía trị tương đối trong đổi chác mua bán để phục vụ đời sống.
Thánh Phaolô nói lên niềm tin tưởng xác tín: “ Không phải của ăn vật chất làm cho chúng ta có gía trị trước mặt Thiên Chúa.” (1 cr 8,8).
Giá trị của con người không thể đem ra so sánh được bằng tiền bạc, hay vật thể đổ chác được. Giá trị con người linh thiêng cao qúi bao la sâu thẳm không có cùng tận.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long