Hằng năm trong khoảng thời gian từ sau lễ mừng Chúa Phục sinh, vào tháng Tư dương lịch, đến mùa Hè, ở hầu hết các Giáo phận Công giáo trên thế giới có lễ truyền chức Linh mục cho các ứng sinh linh mục sau những năm tháng học hành tu trì tập luyện khoa thần học, khoa tu đức, khoa Kinh Thánh và khoa mục vụ ở các trường đại chủng viện.
Vậy thế nào là hình ảnh Bí tích truyền chức linh mục ?
Trong Hội Thánh Công giáo, như người tín hữu Công giáo thường vào Chúa nhật đọc kinh Hội Thánh có bẩy phép Bí Tích: Rửa tội, Giải tội, Mình Thánh Chúa, Thêm sức, Hôn phối, Truyền chức thánh, và Xức dầu.
Bí tích Truyền chức thánh có ba cấp bậc: Chức Phó Tế, chức Linh mục và chức Giám Mục.
Bí tích chức Phó Tế cho những ứng sinh sẽ được lãnh nhận Bí tích chức Linh mục. Có thể nói Chức Phó tế là bước thứ nhất để chuẩn bị lãnh nhận chức Linh mục.
Từ sau Công đồng Vaticano II. năm 1965, chức Phó Tế vĩnh viễn dành cho nam giới được thiết lập, hay đúng hơn được phục hồi sống lại, trong Hội Thánh Công giáo. Những vị được nhận lãnh bí tích Phó tế vĩnh viễn là những người nam có gia đình, và họ không tiếp tục được nhận lãnh bí tích chức linh mục.
Các vị được nhận lãnh chức thánh Phó tế vĩnh viễn cũng trải qua thời gian ở trường đạo tạo về thần học, kinh thánh, phụng vu, mục vụ bí tích, lịch sử Hội Thánh. Điều kiện tuổi tác cùng trí thức cũng như đạo đức của các vị Phó tế vĩnh viễn được tùy theo Giám mục mỗi Giáo phận ấn định theo nhu cầu tại chỗ. Các vị Phó tế vĩnh viễn là những vị có chức thánh phụ giúp việc bàn thờ trong các nghi lễ phụng vụ, việc bác ái nơi các xứ đạo.
Chức Linh mục theo giáo luật Hội Thánh Công giáo Roma qui định, do đức Giám mục tuyển chọn những người phái nam chọn bậc sống độc thân, ban truyền cho. Linh mục là cộng sự viên trợ giúp đức giám mục giáo phận trong việc mục vụ cử hành các Bí Tích cho người giáo dân nơi các xứ đạo trong giáo phận.
Linh mục được Đức giám mục tuyển chọn truyền chức cho và sai gửi đi sống làm việc mục vụ ở xứ đạo với những người tín hữu Chúa Kitô nơi đó. Nhiệm vụ của ông không chỉ thu gọn trong việc cử hành các Bí Tích theo nhu cầu mục vụ tinh thần đạo đức, trong khuôn viên thánh đường, nhưng còn trải rộng ra là người sống làm chứng cho tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa, mà ông rao giảng loan truyền. Đây là một đòi hỏi thách đố cho ông, nhưng ông không một mình. Trái lại Thiên Chúa, Đấng kêu gọi ông trở thành linh mục ban ân đức sức trợ giúp, và cả người giáo hữu cũng nâng đỡ tinh thần cho.
Và trước khi được lãnh nhận Bí Tích chức Linh mục, ông phải trải qua thời gian đào tạo huấn luyện. Các ứng sinh Linh mục được đào tạo về mặt trí thức và đạo đức, cùng cung cách sống xử sự trong chiều tương quan với Thiên Chúa, nguồn đức tin, và với con người trong xã hội, nơi sau này họ cùng đồng hành sinh hoạt làm việc mục vụ.
Họ được huấn luyện tập tành không phải để trở nên người đã hoàn hảo hay như một máy móc tự động. Không, họ vẫn là con người với khả năng giới hạn về mọi mặt. Nhưng họ phải hai chân đứng trên mặt đất, và luôn nhận thức nhu cầu cần phải học hành tu luyện thêm, như Hội Thánh Chúa luôn trên con đường lữ hành trần gian, có bước đi tiến tới, và cũng luôn có nhu cầu phải phản tỉnh suy nghĩ lại để đổi mới cung cách xử sự bước đi. Không ai là con người hoàn toàn cả!
Trong nghi lễ Bí tích truyền chức thánh linh mục có nghi thức đặt tay của Đức giám mục chủ sự trên đỉnh đầu ứng sinh Linh mục.
Sau khi toàn thể dân Chúa hiện diện trong buổi lễ đọc hát Kinh cầu các Thánh, đức Giám mục chủ lễ sẽ đọc lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa ban chức Linh mục cho các ứng sinh chịu chức. Và sau đó từng ứng sinh lên trước vị chủ lễ, ngài sẽ âm thầm đặt hai bàn tay trên đỉnh đầu tân chức. Với nghi thức này họ trở thành linh mục, Tư Tế của Chúa trong Hội Thánh.
Và sau đó các vị giám mục, các linh mục có mặt trong buổi lễ cũng lần lượt đến đặt tay trên từng tân linh mục, để nói lên tình liên đới huynh đệ linh mục đoàn trong Hội Thánh phục vụ dân Chúa nơi Giáo phận.
Nghi lễ đặt tay phong chức thánh không là điều phát minh của Hội Thánh Kitô giáo, nhưng có nguồn gốc trong Kinh Thánh từ thời xa xưa.
Trong sách Dân Số (27,18-22) tường thuật lại Ông Jusua được Thánh Tiên tri Mose đặt tay truyền chức theo ý muốn của Thiên Chúa:
“ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Ngươi hãy đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần khí nơi mình, và ngươi sẽ đặt tay trên nó. Ngươi sẽ cho nó đứng trước mặt tư tế E-la-da và trước mặt toàn thể cộng đồng. Ngươi sẽ truyền lệnh cho nó trước mắt chúng. Ngươi sẽ chia cho nó một phần uy quyền của ngươi, để toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nghe lời nó. Nó sẽ đứng trước mặt tư tế E-la-da. Tư tế sẽ đến trước nhan ĐỨC CHÚA mà xin thẻ xăm u-rim cho nó. Theo lệnh của tư tế, toàn thể cộng đồng, nghĩa là nó và mọi con cái Ít-ra-en, sẽ ra sẽ vào."
Ông Mô-sê đã làm như ĐỨC CHÚA truyền cho ông: Ông đã đem theo Giô-suê và cho ông này đứng trước mặt tư tế E-la-da và trước mặt toàn thể cộng đồng. Ông đặt tay trên ông Giô-suê và ra lệnh cho ông ấy như ĐỨC CHÚA đã dùng ông Mô-sê mà phán.”
Trong sách Kinh Thánh tân ước nghi thức đặt tay giữ vai trò quan trọng với việc trao quyền nhiệm vụ trong Hội Thánh. Các vị tông đồ Phaolo và Barnabê đã tuyển chọn những vị lo việc tư tế thờ phượng cho các Cộng đoàn xứ đạo, mà các ngài đã thành lập. Sau khi cầu nguyện và đặt tay Thánh Phaolo và Barnabê đã truyền chức linh mục cho họ. (CV 14,2-24).
Cử chỉ đặt tay trên đỉnh đầu diễn tả sự tin tưởng tràn đầy lòng yêu thương. Xưa nay các bậc ông bà cha mẹ gia đình thường hay dùng bàn tay xoa đầu con cháu mình, nói lên tình yêu thương, sự vui mừng gần gũi lo lắng. Và con cháu khi được bàn tay ông bà cha mẹ xoa phủ trên đầu cảm nhận được chúc phúc lành, tình yêu thương âu yếm an ủi vỗ về dành cho mình.
Tân linh mục được Thiên Chúa qua Hội Thánh đặt tay chúc phúc ban truyền cho chức thánh linh mục để làm nhiệm vụ tư tế, nhiệm vụ loan truyền tình thương yêu của Chúa cho con người.
Tân linh mục được Chúa qua bàn tay của Hội Thánh chúc phúc, nên họ cũng dùng bàn tay mình mang phép lành chúc phúc của Chúa tiếp tục đến cho con người, qua đời sống là nhân chứng, và việc phụng vụ tế lễ cử hành các Bí Tích của Hội Thánh.
Chúc mừng tân Linh mục Vincentê Trịnh Đức Thắng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long