Năm 1957 Sputnik, vệ tinh đầu tiên được phóng lên không gian. Khắp nơi, nhất là báo chí trên khắp thế giới đã bàn tán bình luận xôn xao về biến cố mới lạ ngoạn mục này.
Người ta đã hết lời ca ngợi thành tích thắng lợi vẻ vang này như bước tiến cách mạng nhảy vọt chế ngự không gian vũ trụ. Có những ý kiến cho rằng đó là một thách đố, một cám dỗ song song đối đầu với Thượng Ðế, Ðấng sáng tạo vũ trụ!
Có thật hình ảnh cây thập tự biểu hiệu lòng tin của người Kitô giáo bị khoa học cách mạng thách thức và như muốn xóa tan tính mầu nhiệm thần thánh đi không?
Thắc mắc hoài nghi lan tràn khắp nơi. Nhưng người đặt lòng tin vào Thiên Chúa không vì thế đễ dàng để cho đức tin vào Thiên Chúa, vào mầu nhiệm cây thập gía ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô bị lung lay hay xóa bỏ khỏi tâm linh tinh thần mình.
Họ vẫn chú ý quan sát theo dõi nhìn nghe biến chuyển đó với con mắt lòng tin sâu xa: Crux stat dum volvitur orbis – Cây Thánh gía vẫn đứng vững, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!
Johannes Wolfgang von Goethe, nhà đại văn hào Ðức, khi nghĩ đến „Thập gía, dấu hiệu của người Kitô“ đã kinh hãi rụng rời. Ông lẩn trốn không muốn nói tới Thập gía, vì nghĩ rằng, thập gía kêu gọi ông hãy ăn năn trở lại!
Trái lại người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày thứ sáu tuần Thánh tôn kính cây Thập gía: Ðây là cây Thánh gía, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy!
Trung tâm của lễ nghi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cây Thập gía trên đồi Golgotha chiều năm xưa. Tất cả mọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô bái qùy tôn kính cây Thánh gía.
Người ta chỉ có thể hiểu được thánh gía, nếu biết chấp nhận thập gía của riêng mình. Cũng chỉ có thể hiểu được đau khổ, nếu không tìm cách lẩn tránh đau khổ. Chấp nhận con đường đau khổ bản thân của mỗi người, chính là đi theo Chúa Giêsu Kitô, đấng là con đường là sự chân thật và là sự sống.
Pierre Teilhard de Chardin, nhà thần học Dòng Tên chuyên khảo cứu về nhân chủng học đã suy tư như sau „Thập gía không là điều gì vô nhân đạo, nhưng là điều vượt qúa tầm hiểu biết của con người.“
Thánh giáo hoàng Phaolô đệ lục đã gọi Thập gía là khẩu hiệu, là Logo của lịch sử con người, của nền văn hóa và của bước tiến bộ chúng ta.
Thập gía là một trường hợp nghiêm trọng của tình yêu, như Hans Urs von Balthasar nhà thần học Dòng tên đã suy tư.
Đức giáo hoàng Benedicto 16. đã có suy niệm về mầu nhiệm cây thập tự Chúa Giêsu Kitô: Thập tự không là dấu hiệu chiến thắng của sự chết, của tội lỗi và của sự dữ. Nhưng là dấu chỉ chiếu tỏa ánh sáng tình yêu. Vâng đó là dấu chỉ to lớn của tình yêu Thiên Chúa…
Thập tự nói cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa, và kêu mời hướng theo sức mạnh tình yêu này để canh tân đổi mới đời sống lòng tin. Trong sự chết của Con Thiên Chúa trên cây thập tự nẩy sinh mầm chồi niềm hy vọng đến một sự sống mới, như hạt lúc mì chết mục nát trên nền đất mọc thành cây lúa mới.
Không có ngày nào trong năm nói cho chúng ta về Thập gía thấm đượm đau buồn sâu thẳm, dấu hiệu của lòng tin, như ngày thứ sáu tuần Thánh.
Không có ngày nào diễn tả tràn đầy sự đau khổ về tình yêu của Chúa cho con người qua dấu chỉ cây Thập gía, như ngày thứ sáu tuần Thánh.
Không có ngày nào nhắc nhở, vâng cảnh tỉnh chúng ta khẩn trương: Stat crux dum volvitur orbis! Thập gía vẫn đứng vững đó, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!, như ngày thứ sáu tuần Thánh, tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô chết trên cây thập gía.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long