Trong nếp sống đạo đức có kinh nguyện “Thương người có 14 mối”. Kinh nguyện lòng thương xót này nhắc nhớ đến nghĩa vụ lòng bác ái tình liên đới giữa con người với nhau qui hướng về hai khía cạnh đời sống: thân xác và tinh thần linh hồn con người:
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Xưa nay hễ có thiên tai, tai nạn, chiến tranh xảy ra nơi nào trên thế giới, các cơ quan chính phủ cũng như tôn giáo đều kêu gọi mọi người rộng lượng cùng chung tay giúp đỡ những người bị vướng vào hoàn cảnh bất hạnh ở những nơi đó.
Cung cách này thể hiện sâu xa lòng bác ái tình liên đới chiều ngang đường chân trời giữa con người với nhau trong xã hội, và lòng đạo đức chiều thẳng đứng hướng lên Thiên Chúa trên trời cao.
Cung cách sống này diễn tả sự kính trọng nhân phẩm, thân xác sự sống con người, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá tạo dựng ban cho mỗi người.
Cung cách sống này nói lên lòng biết ơn nhau. Vì trong qúa khứ đã được người khác giúp đỡ cách này cách khác rồi.
Cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người rách rưới ăn mặc không chỉ che đậy hay muốn xoá đi sự nghèo khổ của người bị nạn lớp bề mặt bên ngoài, nhưng còn sâu xa hơn. Đó là khám phá sự sống nơi người đó, một tặng vật cao qúi của Trời cao ban cho.
Đi thăm viếng người bệnh mang đến cho người bệnh chút an ủi niềm vui nói lên họ không một mình chịu đựng đau đớn.
Thăm viếng người bệnh còn muốn nói lên sự quan tâm đến họ nhiều hơn là miếng vải băng đậy vết thương, chút dầu thoa vết thương ngoài da…Sự sống cao qúi hơn tất cả.
Thăm viếng người bệnh nhìn ra nhu cầu cùng sự yếu đau của người bệnh, cùng mang đến cho họ niềm hy vọng.
Những việc làm như thế được Kinh Thánh đặt tên là lòng thương xót, mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc âm (Lc 6, 27-38).
Lòng thương xót giữa con người với nhau diễn tả hình ảnh cùng đồng hành với trong đời sống, mang lại cho nhau tình yêu thương niềm hy vọng.
Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta thuật lại mẩu chuyện sống động về lòng bác ái tình liên đới yêu thương của một đôi vợ chồng trẻ.
“Ở Calcutta một đôi vợ chồng trẻ đến gặp tôi, và trao cho một số tiền lớn để chung góp vào giúp người nghèo. Vì nhà chúng tôi một mình phải hằng ngày lo cho 9.000 người ăn.
Tôi cám ơn họ và hỏi lại: Làm sao các Bạn có thể có món tiền nhiều như vậy ?
Họ trả lời ”Trước đây hai ngày chúng tôi thành hôn với nhau. Nhưng trước đó chúng tôi đã thỏa thuận không tổ chức tiệc cưới ăn mừng. Thay vào đó hai chúng tôi muốn thực hiện một nghĩa cử dấu chỉ nói lên tình yêu của chúng tôi với những người khác. Và chúng tôi mang số tiền này cho nhà của Mẹ.”
Ôi thật là một nghĩa cử quảng đại của tâm hồn rộng lớn chan chứa tình người!
Tôi hỏi thêm: “Nhưng tại sao các Bạn lại làm như thế?”
Họ trả lời: ”Chúng tôi yêu chúng tôi sâu đậm, nên chúnng tôi mong muốn cùng chia xẻ với những người khác, đặc biệt với những người mà Mẹ và chị em phục vụ giúp đỡ họ.”
Ôi thật lạ lùng thay!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long