Lòng sùng kính Đức mẹ Maria xưa nay trong đời sống đức tin luôn được chăm sóc cùng đề cao. Tuy Đức mẹ không phải là người ban ơn, nhưng tin tưởng Đức Mẹ là người trung gian bầu cử cho trước tòa Thiên Chúa.
Và vì thế trong dòng lịch sử Giáo hội, Đức Mẹ Maria được ca ngợi với nhiều danh hiệu khác nhau có ngày Lễ mừng kính riêng. Một trong những danh hiệu ngày lễ mừng kính được xếp nâng lên hàng tín điều là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
1. Lịch sử ngày lễ
Ngược dòng lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ 10. đến thế kỷ thứ 12. các Giáo Hội Ðông Phương đã mừng „Lễ Mẹ Thiên Chúa, thánh thiện trong các vị Thánh, được thụ thai trong cung lòng bà Thánh Anna“.
Ở bên Giáo Hội Tây Phương Giám Mục Anselm von Canterbury cũng mừng lễ này trong giáo phận của ngài từ năm 1100. Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV. từ năm 1477 đã mừng lễ này ở thành Roma vào ngày 08.12. hằng năm. Ðức Giáo Hoàng Clemens XI. năm 1708 đã lấy ngày Lễ mừng kính Ðức Mẹ Maria thụ thai này là ngày lễ mừng trong cả Giáo hội toàn cầu.
Năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Pio IX. đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ðức Mẹ Maria là mẹ Thiên Chúa không vướng tì ố tội tổ truyền, sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh. Lễ kính mừng trọng thể vào ngày 08.12. hằng năm bắt buộc trong toàn thể Giáo hội công giáo hoàn vũ.
Tín điều đạo đức này xưa nay gây ra nhiều suy nghĩ tranh cãi và cả chống báng phản đối nhất là từ phía Giáo hội Tin Lành và Chính Thống Giáo. Là người Công giáo, chúng ta tin nhận những gì Giáo Hội trong lãnh vực đức tin và luân lý ấn định. Dưới ánh sáng suy nghĩ của con người thời đại, xin rút tỉa ra từ tín điều mừng kính Ðức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội một vài suy tư.
2. Thắc mắc về niềm tin
Mỗi khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào ngôi vị và nguồn gốc xuất xứ của Chúa Giêsu: "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria".
Tin trong lòng và tuyên xưng niềm tin ra bên ngoài là điều chính đáng. Nhưng nếu có thắc mắc về điều mình tin, cũng là điều hợp lý lẽ tự nhiên. Vì thắc mắc có thể giúp hướng dẫn và củng cố niềm tin sâu xa hơn. Vậy đâu là ý nghĩa của lời tuyên xưng: "Mẹ đồng trinh Maria“ đối với niềm tin?
Thắc mắc về Đức Mẹ Maria sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn còn "đồng trinh" không thể có câu trả lời theo khía cạnh thể lý, khía cạnh sinh học được. Vì niềm tuyên tín đâu có dựa theo đó. Nhưng phải hiểu theo khía cạnh niềm tin đạo giáo, khía cạnh "đầy ân phúc" của Đức Mẹ Maria.
3. Thế nào là đầy ân phúc?
Đức Mẹ Maria được Thiên Thần của Chúa xưng tụng là người "Gracia plena - đầy ân phúc". Vì Thiên Chúa, Đấng sinh thành, nuôi dưỡng đời bà, hằng đồng hành, chúc phúc cho Bà (Lc 1, 30-31). Khía cạnh đầy ân phúc của Đức mẹ Maria thể hiện qua việc chấp nhận ý Thiên Chúa muốn: làm mẹ Chúa Giêsu!
Chấp nhận làm mẹ con Thiên Chúa như cánh cửa mở ra cho tình yêu Thiên Chúa đến với con người, và cùng chia sẻ cuộc sống con người.
Cuộc sống của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa khởi đầu như bao trẻ em khác, hồi hộp lo lắng vì yếu đuối bệnh tật, chạy loạn tỵ nạn sống tha hương, lớn lên, đi học, làm nghề thợ mộc bên cha mẹ để có miếng cơm manh áo. Rồi cuộc đời nay đây mai đó, rao giảng tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa.
Đức mẹ cũng cùng trải qua những lúc vui và buồn sầu đau khổ của cuộc đời Chúa Giêsu, lúc thất vọng, lúc ngài được tung hô vạn tuế, lúc sống giữa đám đông dân chúng, lúc một mình, lúc bị khinh khi. Và cuộc đời Chúa Giêsu kết thúc với cái chết tức tưởi nhục nhã, bị hành hình đóng đinh trên thập giá...
Khía cạnh đầy ân phúc nơi Đức Mẹ Maria còn thể hiện qua lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì thế Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn khỏi vòng liên lụy của tội lỗi làm dấu chỉ tình yêu, của trọn hảo tinh tuyền giữa trần gian.
Sự trọn hảo tinh tuyền khỏi vòng liên lụy của tội lỗi của Đức Mẹ trở thành dấu chỉ ơn cứu độ khỏi tội lỗi cho tâm hồn con người.
4. Sự tinh tuyền thánh thiện của Đức Mẹ Maria
Trong truyền thống đạo đức của Gíáo hội, các Giáo phụ đã có những suy tư đạo đức xác tín về sự tinh tuyền thánh thiện của Đức Mẹ Maria.
Thánh giáo phụ Ephrem đã suy tư cầu nguyện: Chúa Giêsu và mẹ của ngài, hai vị là những người duy nhất trong mọi khía cạnh tốt đẹp vẹn toàn. Nơi Ngài, lạy Chúa không có dấu vết sự nhơ bẩn, và cả nơi mẹ của Ngài cũng không có tì vết sự vướng mắc gì.
Thánh giáo phụ Augustino đã nhìn nhận tất cả mọi con người vướng mắc vào vòng tội lỗi, chỉ trừ ra mẹ rất thánh Maria, là mẹ Thiên Chúa không vướng mắc vào liên lụy của dục vọng tội lỗi.
Thánh Giáo phụ Ephraem đã đưa ra sự tương đồng và sự khác biệt giữa Đức mẹ Maria và bà Eva. Maria một bên là hình ảnh một Eva trong sạch tinh tuyền không vướng mắc vào tội nguyên tổ, một bên khác là hình ảnh trái ngược của Eva, người là nguyên do đưa đến sự tội, sự chết. Còn Maria là nguyên do đưa đến sự cứu rỗi chữa lành.
Và Thánh giáo phụ suy tư rút ra hệ luận: Hai người vô tội, hai người sống đơn giản, Eva và Maria rất tương tự giống nhau. Nhưng sau này một người trở thành nguyên nhân dẫn đưa tới sự chết cho chúng ta, còn một người thành nguyên nhân dẫn đưa tới sự sống cho con người chúng ta.
5. Lòng tuyên tín
Tin Đức Mẹ Maria đồng trinh không phải là tin điều gì mới lạ phi thường hay điều gì nhảm nhí do lòng đạo đức sùng kính sợ sệt quá đáng. Nhưng là tin vào sự trọn hảo thánh thiện của Thiên Chúa.
Tin Đức Mẹ Maria đồng trinh cũng không là điều vượt khỏi tầm mức hiểu biết của con người. Nhưng nhìn nhận sự sống bị ràng buộc trong vòng liên lụy của tội lỗi, của sự xấu. Vì nào đã có ai là con người như chúng ta khẳng định mình là người hoàn hảo vô tội đâu? Và đã có thời gian nào hoàn toàn không có tội ác, sự xấu hoành hành trên trần gian đâu? Ân đức của Thiên Chúa giải thoát con người khỏi vòng liên lụy đó.
Tin Đức Mẹ Maria đồng trinh không là cách sống của người tự ty mặc cảm vì hèn kém yếu thế. Nhưng muốn noi gương lối sống của Đức Mẹ, người có lòng khiêm nhường, sống tình liên đới và cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.
///////////////////
Trên con đường mùa Vọng đến ngày Lễ mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh, ngôi sao đời sống của Đức mẹ Maria chiếu sáng soi đường, ngôi sao không bị lu mờ vì tội lỗi của tổ tông, là dấu chỉ niềm hy vọng và là sự an ủi cho con người.
„Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao chính thật trong cuộc sống chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta? Với tiếng “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ đã trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một người giữa chúng ta, và dựng lều của Ngài giữa chúng ta (x. Ga 1:14)“ (GH Benedictô 16., Thông điệp Spe Salvi số 49.)
Lm. Ðaminh Nguyễn ngọc Long