Lễ mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh là ngày lễ khởi thuỷ của Kitô giáo. Khi Giáo hội mừng lễ Vượt qua, tưởng nhớ tới biến cố giải thoát dân Thiên Chúa khỏi cảnh sống nô lệ bên Aicập, ca tụng sự cao cả của Thiên Chúa và sự trung thành của người trong công trình sáng tạo xưa thuở ban đầu và sự sáng tạo mới trong đêm canh thức chờ đợi Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy sống lại từ đêm tối sự chết.
Đây là đêm người có đức tin sống trải qua từ niềm thất vọng chán chường được biến đổi sang trạng thái tràn đầy niềm hy vọng phấn khởi, từ đau buồn tang tóc sang niềm vui mừng, từ sự chết biến đổi sang thành sự sống.
Nhưng năm nay cơn đại dịch bệnh Covid 19 đã làm mọi sự biến đổi ra khác!
Lễ phục sinh trọng đại của Kitô giáo và những ngày Chúa nhật tiếp theo trong mùa phục sinh không có thể mừng rộng rãi trọng thể có giáo dân tham dự được. Niềm hy vọng nhường chỗ cho thất vọng chán nản, niềm vui mừng được thay và bằng đau buồn lo lắng, sự gặp gỡ bị giới hạn thay vì tự do, khả thể đe dọa lây bệnh nạn thay vì sức khoẻ. Bầu khí đời sống trong xã hội u ám trong hoang mang. Khắp nơi mọi người thu hẹp đời sống lại trong nhà mình. Gia đình tụ họp nhau xem lễ qua không gian ảo của màn hình Tivi và rồi cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Nhà tư sinh sống trở thành „thánh đường thu hẹp“. Nhiều người có suy luận bi quan cho đó là tai họa thảm khốc của ngày chung cuộc tận thế của thế giới!
Ngày chung cuộc tận thế được hiểu là những diễn tả mang tính cách tiên tri nói về ngày cuối cùng của thế giới. Sự tận cùng của thế giới theo thánh sử Mattheus diễn ra ở đồi Golgotha. Khi Chúa Giêsu chết trên cây thập gía :
„50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. 51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người„ (Mt 27,50-53).
Khoa thần học đạo đức và sự loan báo tin mừng Chúa Giêsu rất khó khăn lúng túng trong việc tìm hiểu cắt nghĩa đối diện với những hình bi thảm khốc này. Nhưng trái lại kỹ nghệ làm phim ảnh lại không có suy nghĩ phê bình chỉ trích những pha hình ảnh này.
Những pha hình ảnh bi thảm hãi hùng của Kinh thánh diễn tả về ngày tận cùng của thế giới trở thành những gợi ý tưởng lạ lùng cho những cảnh đóng phim về những tai họa. Những nhà làm phim ảnh vui mừng có những cảnh tượng chung cuộc tận cùng đó. Vì những pha hình ảnh như thế sống động tạo ra cảm gíac rợn rùng da thịt kích thích sự tò mò, hấp dẫn ăn khách người xem.
Nhưng những chấm điểm về ngày chung cuộc diễn tả trong kinh thánh là niềm vui mừng về điều mới: Các mồ mả mở tung ra, sự chết bị chôn vùi và sự sống bắt đầu. Bài trình thuật sự thương khó Chúa Giêsu nói về sự chết không là điều gì sợ hãi. Nhưng dẫn đưa đến suy nghĩ về một quang cảnh lớn lao tận cùng: sự chiến thắng của Thiên Chúa, và Ngài trao ban sự chiến thắng đó cho tất cả mọi người có được sự sống.
Thánh tông đồ Phaolo cũng nhận ra tương tự như thế. Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kito là nền tảng đức tin. Không có sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô sự chết sẽ không bị tiêu diệt. Sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là lý do nền tảng của một niềm hy vọng không thể tưởng tượng ra được cho mọi người. Tất cả đều phải chết, nhưng qua nhờ Chúa Giêsu Kitô phục sinh, họ được cứu thoát khỏi sự chết dẫn đưa vào sự sống.
Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô không thể biện hộ chứng minh theo lý luận khoa học được. Đó là sự chuyển tiếp từ thời điểm của chúng ta sang sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó là sự việc của đức tin. Mà đức tin không thể bị cưỡng bức. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người. Người có đức tin, tự nhận biết được giải thoát khỏi sự chết.
Và họ có thể hy vọng rằng những phục sinh nhỏ bé xảy ra trong những quãng thời gian khủng hoảng của đời sống luôn xảy ra, là dấu chỉ sự phục sinh sống lại to lớn.
Bức hình ảnh Lòng Chúa thương xót, tuy không là một tác phẩm nghệ thuật lớn lao do nhà danh họa nổi tiếng vẽ phác họa ra, nhưng lại có sức ảnh hưởng soi lòng đánh động nói với nhiều người. Bên dưới bức ảnh có dòng chữ: „Lạy Chúa Giêsu, con trông cậy nơi Chúa.“.
Vâng, con người tín thác trông cậy vào Chúa mọi ngày trong suốt đời sống khi vui mừng hạnh phúc khoẻ mạnh, cũng như lúc gặp gian nan khốn khó gặp khủng hoảng lo âu sợ hãi bệnh nạn.
Đây là sứ điệp Chúa nhật lòng Chúa thương xót gửi kêu gọi mọi người.
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long