"Bộ mặt thế gian này đang qua đi".

Phải chăng chúng ta đang đứng trước lời cảnh báo trên đây. Suốt một năm qua thế giới sống trong nỗi hoang mang lo sợ vì dịch bệnh Corona. Một sinh vật nhỏ đến độ không ai có thể nhìn thấy nhưng lại có thể làm cả thế giới điêu đứng và đã cướp đi hằng triệu sinh mạng. Cho đến hôm nay sự đe dọa vẫn còn trầm trọng chưa có lối thoát. Các nhà khoa học trên thế giới đã phải làm việc cật lực suốt một năm qua để tìm ra giải pháp chế ngự cơn dịch khủng khiếp này. Tạ ơn Chúa chúng ta đang có niềm hy vọng.

Khi bệnh dịch mới bùng phát người người khắp nơi cuống cuồng đổ xô đi mua đồ ăn dự trữ và còn dành dựt nhau từng cuộn giấy vệ sinh đến nỗi các siêu thị dù lớn hay nhỏ chỉ trong một thời gian ngắn không còn một cuộn giấy vệ sinh và sản phẩm này đã trở thành một thứ xa xỉ và khan hiếm. Bình thường con người rất hiền hòa và bao dung, nhưng đứng giữa sống và chết con người trở nên ích kỷ, nhỏ nhen, thô bạo, lương tâm bị sói mòn. Vì trước nguy cơ bị hủy diệt ai cũng lo bảo vệ sinh mạng của chính mình và gia đình mình. Nhìn vào thực trạng của cuộc sống hỗn loạn lúc đó chẳng khác nào "Bộ mặt thế gian này đang qua đi".

Nhìn lại mấy năm vừa qua ngoài dịch bệnh đang hoành hành thế giới luôn phải gánh chịu nhiều tai ương khác như thiên tai: động đất, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng . . ., nhân tai: cướp của giết người, khủng bố khắp nơi dưới mọi hình thức, tai nạn: máy bay, xe lửa, xe hơi v.v… đã gieo tai họa và sự khiếp đảm cho bao nhiêu người. Cuộc sống người người trở nên bất an. Qua những biến cố này nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng đây là sự trừng phạt của Thiên Chúa ? Chắc hẳn là chưa phải, vì nếu Chúa thực sự nổi giận thì e rằng sự trừng phạt của Chúa con người không thể tưởng tượng và không thể chịu nổi. Nhưng nếu Chúa để những việc đó xẩy ra để cảnh cáo con người thì cũng không có gì là quá đáng.

Từ ngàn xưa trải qua bao thời đại, thời đại nào cũng có những con người chỉ biết ăn chơi sa đọa, lôi kéo người khác vào cuộc sống trụy lạc và thậm chí còn gây đau thương cho nhiều người khác. Đọc trong cựu ước chúng ta biết thành phố Sodoma đã bị Thiên Chúa trừng phạt vì cả thành đã sống bê tha tội lỗi và không chịu hối cải. Thực ra, Ngài đã kiên nhẫn nghe lời nài nỉ của ông Abraham xin Chúa tha cho họ, nếu có được 50 người lành trong thành. Chúa đã hứa với ông nhưng rồi ông lại giảm xuống 40, 30, 20 … cuối cùng dù chỉ mười người lành Ngài cũng đã không tìm ra khiến Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ thiêu hủy cả thành.

Tuy vậy, không phải lúc nào Thiên Chúa cũng nổi giận và trừng phạt. Thành phố Ninivê may mắn hơn Sodoma vì mọi người đã biết nghe lời cảnh báo của tiên tri Giona và đã cùng nhau ăn năn sám hối từ bỏ tội lỗi và đã tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. „Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó“ (Gn. 3,10).

Thiên Chúa là Đấng công thẳng nhưng cũng là Đấng rất mực nhân từ và giàu lòng thương xót, nhờ vậy mà nhân loại mới còn tồn tại tới ngày nay. Thế nhưng, thế giới ngày nay thì sao ? Những lời cảnh báo và những lời kêu gọi sám hối con người đã được nghe, được truyền đạt qua hằng bao thế kỷ nhưng cho đến nay ngày lại càng có nhiều người dấn bước vào con đường tội lỗi của ma quỷ. Ngày càng có nhiều người mất niềm tin, cố tình chối bỏ Chúa, khinh dể, xúc phạm và coi thường ơn lành của Chúa.

Từ ngày dịch bệnh Corona hoành hành đe dọa, nhiều người đặc biệt là những người trẻ cảm giác như được giải thoát: không buộc phải đi lễ ngày Chúa nhật. Vì an toàn và ích lợi cho mọi người giáo hội đã cởi mở và khuyến khích mọi người khi không có điều kiện tham dự thánh lễ tại thánh đường thì có thể đến với Chúa bằng cách dự lễ trực tuyến tại nhà. Nhưng rất nhiều người đã chẳng còn quan tâm đến thánh lễ dù ở nhà thờ hay trực tuyến ở nhà. Có người cố giữ luật nhưng bằng hình thức „xem“ lễ trực tuyến chứ không phải „dự“ lễ. Nghĩa là mở một thánh lễ nào đó trong Tivi rồi ngồi hoặc có khi nằm thoải mái trên ghế bành xem lễ như xem phim vậy.

„Thời giờ vắn vỏi . . . vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi“. Lời cảnh báo của thánh Phaolo tông đồ và lời khuyên nhủ của Chúa Giê-su: „anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm" qua hơn hai ngàn năm nay liệu có còn giá trị và cần thiết cho thời đại chúng ta không ? Dân thành Ninivê có 40 ngày để ăn năn sám hối. Chúng ta có bao nhiêu thời gian để sám hối ?

Chắc chắn lời cảnh báo và lời khuyên nhủ đó vẫn còn giá trị và rất cần thiết cho mỗi người chúng ta ở mọi nơi và mọi lúc. Về thời gian để sám hối thì Chúa để cho mỗi người chúng ta tự định đoạt, nghĩa là chúng ta có quyền quyết định bắt đầu sám hối từ lúc nào. Thời gian Chúa dành cho chúng ta nếu chúng ta biết lợi dụng thì có thể rất dài, ngược lại rất có thể không đủ để chúng ta kịp sám hối. Bởi vì Chúa đã nói:“các con phải sẵn sàng vì các con không biết được ngày nào giờ nào“. Nghĩa là chúng ta không biết lúc nào Chúa sẽ gọi. Vì thế, bất cứ lúc nào cũng là lúc chúng ta cần phải ăn năn sám hối.

Ăn năn sám hối là lối mở để bước vào con đường được cứu thoát, con đường dẫn đến sự sống. Nhưng nếu chỉ ăn năn sám hối để tránh bị trừng phạt thì cũng chưa phải là điều giá trị. Sám hối phải là một hành động dứt khoát, quyết tâm từ bỏ con người cũ để trở nên một con người hoàn toàn mới với một cách sống mới. Dân thành Ninivê đã tránh được sự hủy diệt nhờ sự quyết tâm đó. Chúng ta có đủ khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm và đủ quyết tâm để sám hối như dân thành Ninivê không ?

Đỗ Văn Thục

(CN 3 thường niên)

 

 

Ai không sống mùa chay thánh, thì cũng không có được một lễ Phục sinh vui. Ai không cùng chết với Chúa Kitô, thì cũng không sống lại được với Ngài.

 
JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 207

Yesterday 334

Week 878

Month 8064

All 318708

Currently are 14 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions