Chúa Giêsu Kitô khi đi ra rao giảng nước Thiên Chúa cách đây hơn hai ngàn năm, đã tuyển chọn 12 người đàn ông làm học trò thân cận. Rồi Ngài uỷ thác trao cho họ sứ mạng Tông đồ tiếp tục công việc loan truyền tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa giữa lòng xã hội con người.

Với cương vị sứ mạng thánh thiêng đó họ là những cột trụ xây dựng Giáo hội Chúa ở trần gian.

Một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô là ông Andreas.

Vậy đâu là hình ảnh vị Thánh Tông đồ Andreas ?

Trong danh sách 12 tông đồ theo Phúc âm Thánh Mattheo (10,1-4), và Thánh Luca (6,13-16) Andreas được sắp xếp vào hàng thứ hai. Còn nơi phúc âm theo Thánh Marco (3,13-19) và sách Công vụ các Tông đồ (1,13-14), Andreas được liệt kê hàng thứ tư.

Tên Andreas của vị tông đồ này không là tên theo ngôn ngữ Do Thái, nhưng có nguồn gốc tiếng Hylạp. Gia đình Andreas sinh sống ở vùng Galilea, nơi ngôn ngữ cùng văn hóa Hylạp có ảnh hưởng rất rộng rãi phổ biến thời lúc đó. Cũng nơi đây Chúa Giêsu đã kêu gọi tuyển chọn cùng với Ông Phero làm học trò tông đồ tiên khởi của Ngài. (Mt 4,18-19 – Mc 1,16-17).

Căn cứ theo phúc âm Thánh Gioan thuật lại, Andreas đã là môn đệ của Thánh Gioan tẩy gỉa. Như thế Andreas là người đi tìm kiếm, là người cùng chia xẻ niềm hy vọng của dân chúng đang khao khát mong chờ vị cứu tinh, là người muốn học hỏi làm quen lời Chúa trong đời sống.

Vì thế khi nghe Thánh Gioan tẩy giả chỉ tay giới thiệu Chúa Giêsu là “con chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36), Andreas đã đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu ngay.

Vị Tông đồ Andreas được nhắc đến trong phúc âm Thánh Gioan (Ga 6, 5-13) là người đã giới thiệu dẫn một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đến với Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã dùng số lương thực qúa ít ỏi này làm phép lạ biến hóa ra nhiều cho năm ngàn người đang đói có lương thực ăn no đủ, và còn dư thừa tới 12 thúng giỏ đầy.

Andreas đã có tầm nhìn quan tâm chú ý đến tình cảnh con người lúc họ đói khát, và đứng ra làm trung gian giữa Chúa Giêsu và những người đi theo nghe Chúa Giêsu rao giảng lúc đó ở bờ hồ Galileo. Địa điểm biến cố lịch sử “phép lạ bánh hóa ra nhiều” in đậm dấu vết lịch sử Chúa Giêsu này có tên là Tabgha. Ngày nay nơi này trở thành một trung tâm hành hương lịch sử tôn giáo bên nước Do Thái.

Trong biến cố đời Chúa Giêsu lên đền thờ Jerusalem trước lễ Vượt Qua của người Do Thái, có những người Hylạp, có thể họ là những người có lòng kính sợ Chúa, cùng đến tham dự và cầu nguyện tôn thờ Thiên Chúa của Do Thái giáo. Tông đồ Andreas và tông đồ Philippe là hai vị có tên nguồn gốc tiếng Hylạp, nói được tiếng Hylạp nên đã đóng vai trò người thông dịch, người trung gian giữa Chúa Giêsu nhóm người Hylạp này (Ga 12, 20-21).

Hai vị tông đồ trung gian thông dịch này đến nói với Chúa sự thể có người Hylạp trong chúng ta nữa. Chúa Giêsu đã nói với hai ông: ”Đã đến giờ Con người được tôn vinh. Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24)

Câu trả lời của Chúa Giêsu bao gồm ẩn chứa ý nghĩa điều Ngài muốn nói: Vâng, cuộc gặp gỡ giữa Thầy và những người Hylạp không là một cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa Thầy và một ít người muốn biết vì tò mò. Với sự chết của Thầy, có thể so sánh như hạt lúa rơi vào lòng đất, sẽ biến thành giờ phút vinh hiển cho Thầy.

Qua sự chết của Thầy sẽ nẩy sinh hoa trái kết qủa to lớn. Hạt lúa giống chết là hình ảnh biểu tượng về đời sống của Thầy, là người bị đóng đinh vào thập tự, sẽ trở thành bánh sự sống cho trần gian, khi Thầy phục sinh sống lại từ cõi chết. Và trở thành ánh sáng cho nhân loại nơi các nền văn hóa.

Như vậy qua những lời đó, Chúa Giêsu tiên báo Giáo hội cho người Hylạp, Giáo hội cho các dân ngoại, Giáo hội cho thế giới như hoa qủa của lễ Vượt Qua.

Theo truyền thuyết xa xưa, Tông đồ Andreas không chỉ là người thông dịch, người trung gian cho một ít người Hylạp trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu như Phúc âm thuật lại. Nhưng Tông đồ Andreas là vị tông đồ cho người Hylạp từ hàng năm rồi. Vì thế trong biến cố ngày lễ Ngũ Tuần, lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ cũng đã có mặt. Những người Hylạp đã tin rằng Tông đồ Andreas vào những năm sau cùng đời sống đã dấn thân là vị rao giảng tin mừng Chúa Giêsu cho thế giới Hylạp.

Tông đồ Phero, người anh em của Andreas, đã từ Jerusalem qua ngả Antiochia sang tới Vatican bên nước Ý truyền gíao thành lập Giáo hội Công giáo tiếng Latinh ở Roma. Trái lại Tông đồ Andreas là vị rao giảng lời Chúa trong thế giới Hylạp, Thành Constantinopel là thủ phủ của Giáo hội Hylạp. Thánh tông đồ Andreas rất được tôn kính như vị Thánh tổ phụ của Chính Thống giáo.

Hai Giáo hội Roma và Konstantinopel trở thành hai Giáo hội anh chị em với nhau. Ngày 23.09.1964 Đức thánh cha Phaolô VI. đã đưa Xương Thánh của thánh Tông đồ Andreas, được gìn giữ bảo quản tôn kính bên Roma, trả lại cho Giáo hội Chính Thống Hylạp ở thành phố Patras nước Hylạp, nơi theo truyền thuyết ngày xưa Tông đồ Andreas chết tử đạo bị đóng đinh vào thập gía.

Theo các nhà sử học thời xưa trong Giáo hội cho rằng Thánh tông đồ Andreas đã rao giảng ở miền Nam nước Nga, ở vùng Bithynien bên nước Thổ nhĩ Kỳ và bên nước Hylạp.

Bút tích về Thánh tông đồ Andreas thuật lại Ông chịu chết tử vì đạo ở Patras bên Hylạp. Ông bị kết án tử hình đóng đinh vào thập tự như Chúa Giêsu Kitô ngày xưa. Nhưng vì lòng khiêm nhường không muốn ngang hàng như Chúa Giêsu, Thầy của mình, nên Thánh Andreas đã xin được đóng đinh vào thập gía chéo hình chữ X.

Trong Giáo hội có ba hình tượng thập gía khác nhau.

Thập gía của Chúa Giêsu Kitô thẳng đứng hai cánh ngang phía trên đầu thân cây hướng lên trời cao.

Hình thập gía dốc ngược hai cánh ngang nằm phía bên dưới gần mặt đất của Thánh Phero, vì ngài xin được đóng đinh vào thập gía ngược, đầu dốc xuống đất.

Và hình thập giá chéo hình chữ X của Thánh Andreas.

Vì thế hình thập tự chéo hình chữ X được khắc vẽ hoặc nơi tay cầm hoặc đàng sau lưng đi kèm theo với hình tượng Thánh Andreas. Đó là hình ảnh biểu tượng đặc trưng của Thánh Tông đồ Andreas. Và ngài được tôn kính hằng năm ngày 30.11. trong nếp sống phụng vụ của Giáo Hội.

Thánh tông đồ Andreas là môn đệ được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên đã để lại gương sống khao khát đi tìm Chúa, lòng cởi mở sẵn sàng đi theo Chúa, quan tâm tới nhu cầu người khác và xây dựng mối tương quan giao hảo giữa Thiên Chúa và con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Khi còn nhỏ thấy việc yêu thương anh chị em trong một gia đình là lẽ đương nhiên. Nhưng khi lớn lên, mới thấy nó không còn là một lẽ đương nhiên nữa, đôi khi nó là một nhân đức.

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 232

Yesterday 409

Week 1738

Month 6321

All 316965

Currently are 9 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions