Trong kinh Tin Kính có lời tuyên xưng: „Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.“

Và Đức Chúa Thánh Thần được định nghĩa là Ngôi thứ ba Thiên Chúa, là thần khí hơi thở của Thiên Chúa, là Đấng không có hình hài mầu sắc.

Vậy làm sao có thể diễn tả về Ngài được?

Xưa nay hằng có những suy tư với những hình ảnh khác nhau diễn tả về Ngài. Nhưng một hình ảnh gần gũi với đời sống con người hằng ngày đó là dòng nước.

Thánh Gioan viết phúc âm Chúa Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh dòng nước diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần (Ga 7,37-39).

Từ lúc thức dậy buổi sáng cho tới buổi chiều tối khi đi ngủ, con người luôn cần có nước. Nước là nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt đời sống con người cho ăn uống, cho tắm giặt lau chùi rửa …

Mọi người ai cũng đều đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự phấn khởi tươi mát mang đến năng lực cho đời sống. Lúc khát nước hay khi gặp trời nóng nực mà nhận được ly nước uống vào, ngay tức thì cơn khát được hạ dịu bớt, sức sống phấn khởi bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt, cùng nơi tâm trí. Lúc đó ly nước mát quan trọng qúy gía biết chừng nào!

Vào mọi thời đại và ở nơi nơi, nước luôn là yếu tố căn bản cho phát triển cho cây cối ở rừng núi ruộng vườn ngoài thiên nhiên, cho nhu cầu ăn uống,vệ sinh sạch sẽ của con người cùng của thú động vật.

Dòng nước chảy trong dòng suối, khe lạch, nơi sông ngòi đến đâu mang chất phân bón phù sa cho cây cỏ, ruộng vườn được phát triển tươi tốt. Và dòng nước là vùng, là ngôi nhà chỗ ẩn thân sinh sống cho mọi loài sinh vật sống trong đó như các loài tôm, cá…Trong dòng nước chúng sinh sản lớn lên phát triển làm thức ăn dinh dưỡng nuôi sống con người từ ngàn xưa.

Hình ảnh so ví làn nước diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần gợi nhắc nhớ đến kênh đào của Vua Hiskija ngày xưa ở thành Jerusalem bên nước Do Thái. Theo Kinh thánh cùng sử sách nghiên cứu thuật lại, vào năm 701 trước Chúa giáng sinh, trong khi bị bao vây, Vua Hiskija đã cho đào đục con kênh ngầm dười lòng đất đá để dẫn nguồn nước từ thung lũng Ghidon từ bên ngoài thành Jerusalem vào dòng suối Schiloach bên trong thành. Và nhờ có nước chảy vào thành, nhà vua và dân thành thoát khỏi nạn khan hiếm nước lúc bị quân thù bao vây bên ngoài thành.

Con kênh đào ngầm Hiskija đó dài khoảng nửa cây số, bề ngang rộng chỉ vừa đủ lọt cho thân thể một người đi qua, và độ sâu có chỗ nước ngập tới trên mắt cá chân, chỗ sâu nhất nước ngập tới khoảng trên đầu gối.

Dòng nước từ con kênh ngầm Hiskija đó đã mang lại sự sống còn, sự tươi mát nhuệ khí cho dân thành hăng hái phấn khởi vươn lên chiến đấu.

Hình ảnh dòng nước sự sống tươi mát phấn khởi Chúa Giêsu Kitô, khi đứng trong đền thờ Jerusalem giảng dậy ngày bế mạc Lễ Lều của người Do Thái, như đã liên tưởng tới và nói lời kêu mời:

"Ai khát nước hãy đến cùng Ta và uống, ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông“. (Ga 7,37-38).

Đức Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa, tựa như làn nước làm cho sức sống sự xanh tươi chảy thông cuồn cuộn bừng lên.

Chúng ta nhìn thấy hình hài của nước. Nhưng Thiên Chúa, Đấng dựng nên nước, ký thác sự bí ẩn mầu nhiệm sức sống trong đó, khiến mắt ta không nhìn thấy sức mạnh ẩn dấu trong nước.

Bằng đôi mắt thường chúng ta quan sát dòng nước chảy. Nhưng tâm trí, dù có thể dùng phương pháp khoa học thực nghiệm phân tích chất chứa trong nước, cũng không hiểu được mầu nhiệm thâm sâu ẩn chứa sức sống của nước do Trời cao tạo dựng nên.

Sức sống ẩn chứa trong dòng nước mang lại không chỉ sự tươi mát cho da thịt, mà còn sức mạnh cho tâm hồn lẫn gân cốt bắp thịt, sự phấn khởi tỉnh táo cho tâm trí suy nghĩ biểu hiện qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, trên ánh mắt con người.

Giống như mầu nhiệm sức sống ẩn chứa trong dòng nước, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh cho sự sống đức tin vào Thiên Chúa thể hiện theo nhiều phương cách, mà tâm trí ta không sao nhìn thấu cùng thông hiểu nổi, hay không như ta chờ đợi mong muốn.


Đức Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu hứa ban gửi đến cho Giáo Hội luôn hằng có mặt trong Giáo Hội. Ngài là Đấng vô hình, nhưng không phải là một „bóng ma thánh“.

Ngài là dòng nước mang sức sống đến cho đời sống tâm linh của Giáo Hội.

Dòng nước chảy mang đến sức sống cùng sự đổi mới. Dòng nước sức sống Đức Chúa Thánh Thần tác động âm thầm tiệm tiến trên sự đổi mới trong lòng sự sống Giáo Hội.

Chúng ta chỉ có thể tìm cách cắt nghĩa diễn tả Đức Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh, như Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh dòng nước là nguồn sức sống nói về Thần linh Thiên Chúa, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu với tâm trí con người.

Đức thánh cha Phanxico trong bài giáo lý ngày 08.05. 2013 đã có suy tư:
„Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy!

Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long

 

Vật nhỏ làm căn bản cho vật lớn; trẻ nhỏ thành gương mẫu cho người lớn: Đức Kitô có lý, khi Ngài nói: "Hãy trở nên như trẻ nhỏ" ( Mt 18,3)

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com

Today 498

Yesterday 396

Week 1462

Month 9915

All 309298

Currently are 87 guests and no members online

Kubik-Rubik Joomla! Extensions